Nhiều doanh nghiệp tham gia hội chợ tại khu vực "Phiên chợ Xanh Tử Tế” ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Cải thiện môi trường kinh doanh
Theo đánh giá của Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI), đa số các địa phương đã có chương trình hành động thực hiện nhưng hầu hết lại giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối thực hiện và thiếu sự phối hợp cùng các sở ngành khác để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp – Khu chế xuất TP Hồ Chí Minh nhận xét, Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19 thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đổi mới môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.
Thế nhưng, hiện chỉ có “thượng tầng kiến trúc” thay đổi còn các bộ phận bên dưới không thay đổi, hành xử của công chức vẫn còn nhiều bất cập. Đơn cử là các thủ tục hành chính về giấy phép con, thẩm định, giấy chứng nhận, điều kiện kinh doanh… ngày càng rườm rà.
Cái doanh nghiệp cần hơn bao giờ hết trong lúc này không chỉ có vốn, lao động, mặt bằng mà là môi trường kinh doanh được cải thiện và cải thiện thủ tục hành chính; xóa bỏ những rào cản vô lý của những quy định gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Để xây dựng mức độ hài lòng phải để dân và doanh nghiệp giám sát ở từng bộ phận mới đánh giá được cán bộ - ông Bé đề nghị.
Mặc dù Nghị quyết 35, Nghị quyết 19 đã tạo ra những chuyển biến rất mạnh nhưng ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, trên thực chất năng lực cạnh tranh, liên kết của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề, đặc biệt là khả năng đổi mới và hấp thụ công nghệ còn kém.
Tính đến cuối năm 2016, TP Hồ Chí Minh có khoảng 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động và trong quý I/2017 có hơn 7.500 doanh nghiệp thành lập mới. Nhưng theo thống kê của ngành thuế, trong năm 2016 chưa đến 180.000 doanh nghiệp có kê khai thuế và trong số này chỉ có 110.000 doanh nghiệp có giao dịch thuế.
Như vậy chỉ có 35% doanh nghiệp thực sự hoạt động trong nền kinh tế, số còn lại đều có năng lực hoạt động rất thấp. Vấn đề là làm sao để dư địa của 200.000 doanh nghiệp còn lại “sống” tốt, hình thành những doanh nghiệp mạnh cũng là một vấn đề cần quan tâm - ông Dũng phân tích.
Hỗ trợ vốn, chính sách thuế
Theo ông Chu Tiến Dũng, vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay là chính sách thuế và vốn ngân hàng. Hầu hết doanh nghiệp kêu ca về khâu hoàn thuế bởi cơ chế hoàn thuế cho doanh nghiệp hiện nay rất chậm.
Doanh nghiệp nộp thuế chậm thì bị phạt, nhưng nhà nước hoàn thuế chậm thì lại không có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp thành lập mới nhưng không có điều kiện tiếp cận và được tư vấn chính sách thuế.
Một số chính sách thuế khi vận dụng, áp dụng ở từng nơi khác nhau đến khi kiểm tra không thống nhất dẫn đến sai phạm và xử phạt. Ngoài ra, các ngân hàng chưa thực hiện tốt vai trò thẩm định, tư vấn để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng nắm “đằng cán” mới cho vay, tức vẫn tập trung vào cho vay theo tài sản thế chấp chứ không quan tâm đến tính khả thi của dự án. Do vậy rất nhiều dự án khởi nghiệp hiện nay khó tiếp cận với vốn vay.
Ở góc nhìn khác, ông Đặng Đức Thành - Chủ nhiệm các nhà kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, yếu tố khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài ngay cả trên “sân nhà” là ở lãi suất ngân hàng.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất xoay quanh 10%/năm, rất ít doanh nghiệp được tiếp cận lãi suất 4-5%. Trong khi đó, các nước khu vực và trên thế giới chỉ xoay quanh mức lãi suất 4-5%/năm.
Do đó, điều doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay là sự an toàn về mặt pháp lý. Chính sách tiền tệ chỉ cần điều chỉnh lãi suất ngân hàng ngang bằng với các nước trong khu vực để doanh nghiệp được cạnh tranh bình đẳng.
Bà Lê Thị Kim Xuân, Trưởng đại diện Hiệp hội ngân hàng Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, hệ thống các văn bản pháp luật giữa các bộ ngành còn chồng chéo và nhiều cái chưa đồng bộ, thống nhất, dẫn đến gây khó khăn trong quá trình thẩm định cho vay.
Một số tổ chức tín dụng là ngân hàng cũng chưa công khai thông báo thông tin các thủ tục, lãi suất trên website hoặc công bố thông tin minh bạch cho các doanh nghiệp hoặc các vấn đề xử lý tài sản thế chấp, thẩm định cũng chưa rõ ràng nên gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Định hướng của ngành ngân hàng trong năm 2017 sẽ tiếp tục tăng trưởng tín dụng ở mức 18%, tạo khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp.
Hiện có 2 văn bản Ngân hàng Nhà nước vừa mới ban hành, có hiệu lực từ 15/3/2017 là Thông tư 39/TT-NHNN quy định về cơ chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng và Thông tư 43/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đã tạo lập khuôn khổ pháp lý mới về cho vay của các tổ chức tín dụng.
Những quy định mới trong 2 thông tư này được xem là bước đột phá, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng nhiều hơn trong năm 2017.
Theo 2 thông tư này, các thủ tục cho vay sẽ đơn giản hơn, đảm bảo minh bạch trong cho vay và bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Ngoài ra, 2 thông tư này cũng khắc phục các điểm bất cập của các văn bản trước đây như về mục đích vay vốn cụ thể hơn, về những nhu cầu vốn không được cho vay, phí liên quan đến hoạt động cho vay, về thứ tự thu hồi nợ, thời điểm cơ cấu lại nợ và thời hạn chuyển nợ quá hạn…
Trước hết, nhiệm vụ của hệ thống ngân hàng là phải thông tin tuyên truyền để các doanh nghiệp, khách hàng hiểu rõ các thủ tục vay vốn và các thông tin công khai minh bạch về thủ tục vay vốn.
Hiện nay, một số ngân hàng như Vietinbank, BIDV… cũng đang chuyển hướng cho vay theo dòng tiền và cho vay theo chuỗi cung ứng, nếu các doanh nghiệp minh bạch về tài chính thì sẽ thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và ngân hàng trong thẩm định và cho vay.