TP Hồ Chí Minh hướng đến một chính quyền kiến tạo và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp

Sau 42 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đặc biệt từ khi cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, TP Hồ Chí Minh đã phát triển từng ngày, bộ máy hành chính của thành phố cũng có nhiều đổi mới đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.

Để có thể khái quát hơn về kết quả nổi bật trong công tác xây dựng chính quyền những năm qua, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến:


Thưa đồng chí, sau 42 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước với hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Thành phố đã không ngừng phát triển, luôn là một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Để có được những điều này, TP Hồ Chí Minh đã làm những gì?


Có thể nói, những thành tựu trên là kết quả của sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự phấn đấu, góp sức của các cấp các ngành, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; trong đó phải kể đến nỗ lực xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy của chính quyền thành phố. Đây chính là một trong những khâu then chốt để chính quyền chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội có hiệu quả bao năm qua.


Ngoài ra, tổ chức bộ máy chính quyền thành phố về cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương; hoạt động từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả.


Song song đó, việc chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân các cấp được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và theo phân cấp của Chính phủ. Trong chỉ đạo, điều hành, Ủy ban nhân dân các cấp luôn bám sát, chấp hành và thực hiện nghiêm túc đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết của Thành ủy và Hội đồng nhân dân thành phố; không có tình trạng lạm quyền và lộng quyền trong thực thi công vụ; vai trò, trách nhiệm người đứng đầu theo quy định của pháp luật và theo phân cấp, ủy quyền của thành phố đã tạo ra sự tích cực, chủ động, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.


Thành phố cũng luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu công vụ và nền hành chính ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại. Việc tuyển dụng được thực hiện công khai, minh bạch; việc bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển được thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục quy định; việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm ngày càng đi vào thực chất, kiên quyết xử lý cán bộ vi phạm, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh số công chức, viên chức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế.


Ngoài ra, Thành phố còn xây dựng chính sách khuyến khích người có trình độ đại học về công tác tại phường - xã, thị trấn; phụ cấp công vụ cho cán bộ không chuyên trách; trợ cấp cán bộ không chuyên trách xây dựng nông thôn mới,…; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức với nhiều hình thức, chú trọng cập nhật nội dung, kiến thức mới; đào tạo theo chức danh; tập trung về đào tạo lý luận chính trị.

Hạ tầng giao thông luôn được TP Hồ Chí Minh ưu tiên phát triển. Ảnh: M.T

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, đóng góp rất lớn vào sự phát triển chung của cả nước. Vậy để đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ hơn nữa, theo đồng chí, Thành phố cần xây dựng bộ máy hành chính như thế nào?


Hiện nay, Thành phố có 20 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, 24 quận - huyện (19 quận, 5 huyện), 322 phường, xã và thị trấn. Việc xác định thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan đã rõ ràng, hợp lý nên hầu như không chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ.


Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình thực tế của một đô thị đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh luôn chủ động kiến nghị, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những cơ chế về tổ chức, phân công chức năng, nhiệm vụ phù hợp. Điển hình như việc thành lập Sở Du lịch, thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố, thành lập một số phòng chuyên môn trực thuộc sở ngành thành phố.


Đối với việc sử dụng biên chế, phải khẳng định thành phố sử dụng có hiệu quả số biên chế được giao. Tuy nhiên, số biên chế này là chưa đủ để đảm bảo nguồn nhân lực cho bộ máy hành chính của một thành phố với gần 13 triệu dân. Bộ máy hành chính hiện nay của Thành phố có sử dụng vượt định biên nhưng là nhu cầu cần thiết, phù hợp tình hình thực tiễn để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.


Có thể nói, trong việc xây dựng bộ máy hành chính, Thành phố luôn thực hiện theo đúng quy định pháp luật; đồng thời, để phù hợp với tình hình phát triển thực tế, thành phố chủ động đề xuất, kiến nghị Trung ương, Chính phủ có cơ chế riêng nhằm hướng đến xây dựng một bộ máy chính quyền theo hướng tinh, gọn, chuyên nghiệp sát hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt.


Thưa đồng chí, để xây dựng một bộ máy chính quyền phù hợp, tạo động lực cho Thành phố phát triển tương xứng với tiềm năng thì Thành phố cần thực hiện những giải pháp nào?


Trong thẩm quyền của mình, Thành phố đề ra nhiều giải pháp thiết thực, đem lại hiệu quả; quyết định phân cấp, ủy quyền mạnh cho các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm tăng tính chủ động, rút ngắn thời gian giải quyết công việc; thường xuyên rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan và đơn vị bảo đảm tinh gọn bộ máy, hiệu lực, hiệu quả; định hướng phát triển hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn gắn với chủ trương xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực xã hội cùng góp sức nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm phục vụ đời sống nhân dân.


Thành phố cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ góp phần rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu suất công việc. Tuyển dụng, quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Thực hiện đánh giá cán bộ, công chức, viên chức đúng thực chất, qua đó đưa khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ công chức, viên chức không đủ tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức... góp phần tinh giản đội ngũ, tạo điều kiện thay thế bằng những người có năng lực, làm việc hiệu quả. 


Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng các hình thức phù hợp; đổi mới nội dung và phương thức đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng đào tạo theo ngạch, chức danh, vị trí việc làm,...


Tuy nhiên, trong điều kiện thẩm quyền của mình, Thành phố chưa thể tạo được sự đột phá phát triển mạnh mẽ, cần có sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, Chính phủ. 


Thành phố khẳng định luôn chủ động, năng động, sáng tạo, kiên trì đề xuất những cơ chế phát triển cho riêng mình để có thể xây dựng được bộ máy chính quyền phù hợp với tính chất đô thị đặc biệt. Đây là tiền đề quan trọng cho thành phố phát huy những thời cơ và thuận lợi, vượt qua khó khăn và thách thức, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh sớm trở thành thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.


Hữu Duyên - Hải Yên/Báo Tin Tức (thực hiện)
TP Hồ Chí Minh nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch - Bài 2
TP Hồ Chí Minh nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch - Bài 2

Theo các chuyên gia, để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành du lịch, trước hết các cơ sở đào tạo cần có đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, hệ thống cơ sở vật chất của các trường cần hiện đại, chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN