Chính sách cắt giảm thuế chỉ tạo 'gợn sóng' ngắn hạn cho nền kinh tế Mỹ

Cuộc cải cách chính sách thuế lớn nhất trong ba thập kỷ qua tại Mỹ đã tạo ra những “gợn sóng” lên toàn bộ nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ khi nó được thực thi vào tháng 12/2017.

Chú thích ảnh
Đồng tiền USD. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhưng trong con mắt của giới chuyên gia, càng gần đến mốc đánh dấu một năm kể từ khi chính sách trên có hiệu lực, những ảnh hưởng tích cực của nó cũng giảm dần.

Việc cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 21% về cơ bản vẫn mang đến những lợi ích cụ thể. Ông John Monaco, một nhà môi giới chứng khoán tại Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE), cho biết các quy định thuế mới cho phép người dân được miễn giảm một số khoản nhất định. Do vậy họ có thể đầu tư và mở hoạt động kinh doanh khi thêm tiền dư dôi.

Các nhà kinh tế học cũng cho rằng sức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hiện nay của nước Mỹ một phần là nhờ việc cắt giảm thuế. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tăng 4,2% trong quý II/2018 so với mức 2,2% trong quý I trước đó.

Tuy nhiên, quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất thế giới Bridgewater gần đây đã cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với khả năng sẽ giảm tốc tăng trưởng khi việc thắt chặt chính sách tiền tệ tại đây bắt đầu tạo sức ép lên tăng trưởng cũng như tăng áp lực lên thị trường tài chính.

Quản lý cấp cao phụ trách mảng đầu tư tại Bridgewater, ông Bob Prince, mới đây đã nói rằng những bất ổn thị trường gần đây là do các nhà đầu tư nhận thấy rằng đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và thu nhập doanh nghiệp tăng cao trong năm nay "có khả năng đã đạt “đỉnh" khi lực đẩy của việc cắt giảm thuế đã mờ nhạt dần.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng dù việc cắt giảm thuế đã làm “nóng” thị trường chứng khoán Mỹ và tạo đà kích thích tăng trưởng trong ngắn hạn, nó có thể gây ra rủi ro kinh tế trong trung hạn. Những rủi ro này bao gồm nợ công tăng cao, lạm phát biến động bất ngờ, những tác động từ các nền kinh tế khác, cũng như khả năng xảy ra suy thoái trong tương lai.

Nhà Trắng đã lập luận rằng việc cắt giảm thuế sẽ kích thích nền kinh tế tăng trưởng, qua đó giúp chính phủ có nguồn thu đủ lớn để chi trả cho những hoạt động chi tiêu và hạn chế thâm hụt. Nhưng điều kiện để trường hợp này xảy ra là nền kinh tế Mỹ duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt mức 2,9%.

Song kinh tế Mỹ không có khả năng duy trì mức tăng trưởng mạnh như vậy. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed ) hồi tháng trước đã dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ ở mức 2,5% vào năm 2019 và 2% vào năm 2020, khi các gói kích thích tài chính dần mất ảnh hưởng.

Các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng chính sách cắt giảm thuế cũng như chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Trump có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào một "chu kỳ lên xuống" và khiến đà tăng trưởng của nền kinh tế bị rút ngắn.

H.Thủy (Tổng hợp)
Giới chuyên gia cảnh báo tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm tốc sau khi đạt 'đỉnh'
Giới chuyên gia cảnh báo tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm tốc sau khi đạt 'đỉnh'

Quỹ phòng ngừa rủi ro lớn nhất thế giới Bridgewater cảnh báo nền kinh tế Mỹ đang đối mặt hiện tượng giảm tốc trong bối cảnh chính sách tiền tệ ngày một thắt chặt bắt đầu tác động tới tăng trưởng và tạo sức ép đối với các thị trường tài chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN