Trang trại tổng hợp của anh Vũ Văn Thiêm ở xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ trải rộng một màu xanh mướt của những gốc bưởi. Đây từng là cánh đồng đất phèn chua, cấy lúa cho năng suất thấp. Anh Thiêm đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp với trồng cây. Với 600 gốc bưởi và 2 mẫu ao thả cá, mỗi năm anh Thiêm thu về gần 500 triệu đồng.
Trong quá trình chuyển đổi, anh Thiêm được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội. Với số vốn được vay anh Thiêm đầu tư hệ thống tưới cho cây trồng và mua phân bón, thức ăn cho cá.
Anh Thiêm chia sẻ, nguồn vốn được vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân tuy không nhiều nhưng đã góp phần giúp anh thực hiện mục đích chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho gia đình. Đây là điểm tựa, giúp người nông dân có thêm cơ hội và động lực để phát triển kinh tế. Mong rằng nguồn quỹ ngày càng lớn mạnh để ngày càng có nhiều nông dân được thụ hưởng và vươn lên làm giàu.
Ông Đào Đức Đại ở thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động cũng được vay 50 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Với số vốn này, ông Đại đầu tư chuồng trại nuôi 200 con gà đẻ trứng.
Ông Đại chia sẻ, số tiền được vay so với quy mô trang trại của gia đình không lớn nhưng đã giúp ông có thêm kinh phí để đầu tư sản xuất. Số tiền đó như chiếc cần câu giúp người nông dân phát triển kinh tế. Ông Đại tính toán, từ 50 triệu này, thu nhập của gia đình ông tăng lên rõ rệt. Với khoảng 150 quả trứng mỗi ngày tương đương mỗi tháng gia đình thu về từ 10 - 12 triệu đồng.
Bên cạnh nuôi gà đẻ trứng, ông Đại còn thuê 10 mẫu đầm để thả cá, kết hợp nuôi gần 1.000 con vịt. Nhờ đó, mỗi năm gia đình thu lãi khoảng trên 200 triệu đồng.
Ông Đại và anh Thiêm chỉ là 2 trong số hàng nghìn nông dân ở Hưng Yên được thụ hưởng nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Hầu hết các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả vốn vay. Do đó, nguồn vốn vay đã giúp nhiều hộ có điều kiện để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, trở thành những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bà Đào Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên cho biết, Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên đã tích cực chỉ đạo các cấp hội tăng trưởng nguồn vốn từ ngân sách và từ huy động hội viên tiết kiệm để xây dựng nguồn vốn cho Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh. Kết quả, năm 2022, nguồn quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Hưng Yên ước tăng trưởng hơn 7,4 tỷ đồng, đạt 165% kế hoạch.
Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Hưng Yên quản lý là trên 90,3 tỷ đồng. Trong số đó, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương ủy thác là 18,4 tỷ đồng, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân cấp tỉnh là trên 53,2 tỷ đồng (tăng 5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021), nguồn cấp huyện là hơn 13 tỷ đồng (tăng hơn 2,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021), nguồn cấp xã vận động là trên 5,6 tỷ đồng (tăng 96 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2021).
Thời gian qua, Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh Hưng Yên đã đổi mới căn bản phương thức hỗ trợ cho nông dân vay vốn. Bên cạnh cho vay theo hộ nhỏ lẻ, Quỹ hỗ trợ nông dân cho vay theo mô hình dự án, mỗi dự án có từ 10 - 12 hộ theo tiêu chí "5 cùng" (cùng lĩnh vực lao động, cùng ngành nghề sản xuất, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ trách nhiệm và cùng hưởng lợi) nhằm xây dựng và nhân rộng các mô hình theo hình thức kinh tế tập thể.
Trong quá trình triển khai, các cấp Hội nông dân trong tỉnh đã hướng dẫn các chi hội, tổ hội lập dự án phát triển trồng trọt, chăn nuôi, khẩn trương thẩm định và giải ngân nhanh, tạo điều kiện để nông dân sớm tiếp cận được nguồn vốn. Cùng với việc hỗ trợ vốn, các cấp Hội nông dân tỉnh Hưng Yên cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân kết nối liên kết cung ứng vật tư sản xuất, xây dựng thương hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm.
Bên cạnh đó, các cấp Hội nông dân tại Hưng Yên còn chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt 6 công đoạn nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo. Đến nay, tổng số tiền dư nợ là trên 1.000 tỷ đồng (tăng so với năm 2021 là 62 tỷ đồng). Ngoài ra, đã có 10/10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn thực hiện được thỏa thuận liên ngành với dư nợ nguồn vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên 2.000 tỷ đồng với 7.785 hộ vay (tăng so với năm 2021 là 6 tỷ đồng).
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên tiếp tục tăng cường các hoạt động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tín chấp cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Các cấp hội tăng cường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương bổ sung tăng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân từ ngân sách địa phương chuyển cho hội hoạt động; triển khai nhiều hình thức để vận động cán bộ, hội viên nông dân, các doanh nghiệp ủng hộ tăng nguồn Quỹ cho hội viên nông dân vay vốn cải thiện đời sống, tăng mức thu nhập.