Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định và đoàn công tác mới đây đã tới thăm mô hình nuôi cá trê, cá tra, cá chim cùng với nuôi chim cút và làm du lịch sinh thái của nông dân Võ Hữu Thời tại xã Lộc An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Chuyến thăm nằm trong khuôn khổ chương trình kiểm tra tình hình hoạt động công tác Hội 9 tháng năm 2022 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
30 năm thành công cùng các mô hình nông nghiệp
Trang trại của ông Võ Hữu Thời nằm cách UBND xã Lộc An không xa. Đường vào trang trại cũng đi qua trục đường chính vào UBND xã, chính là trục đường lớn được mở rộng đi qua khu tái định cư của dự án Sân bay quốc tế Long Thành. Địa hình vùng dự án bằng phẳng, thoáng, không khí trong lành, đời sống người dân tại đây khá cao. Trang trại của ông Thời nằm ở mé khu vực này, trong vùng nhiều cây lá, cách trục đường khoảng 1 km.
Tiếp chúng tôi là người nông dân giỏi tuổi trên lục tuần, có dáng vẻ rắn rỏi, cương nghị, được người dân trong vùng thân mật gọi là Mười Thời. Sau li nước xã giao tại căn chòi gỗ ở cổng vườn, ông vui vẻ mời đoàn tham quan trang trại rộng lớn của mình. Đoàn đã tận mắt chứng kiến những diện tích rộng lớn nuôi cá tra, cá chim, cá trê; khu vực chuồng trại nuôi hơn 100.000 con chim cút đang được các nhân công chăm sóc, hàng ngày cho trứng đều đặn; xen kẽ là diện tích dành cho cây cảnh, cây xanh và các loại hoa. Đây thực sự là một mô hình chăn nuôi, trồng trọt khép kín, khi thức ăn thừa, rau cỏ đều được tận dụng dùng để nuôi cá; phân chim cút thì bón cho cây trồng. tất cả đều không có sự lãng phí, điều đó đã giúp phần nào giảm chi phí, góp phần tăng lợi nhuận sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường.
Hiện tại, mỗi vụ cá của ông Mười Thời cho lợi nhuận 450 triệu đồng, trang trại chim cút cho lợi nhuận khoảng 40-50 triệu đồng/ tháng, toàn bộ trang trại cũng tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động tại địa phương.
Ông Thời trước đây cũng làm việc trong cơ quan nhà nước, sau đó xin nghỉ và quyết định gắn bó với nông nghiệp. Bắt đầu từ vài con heo nái và gần 1ha đất trồng cao su; dần dà trong nhiều năm liền, công việc nuôi heo khá thuận lợi, lại gặp thời trong việc trồng cao su giúp ông tích lũy được một số vốn kha khá. Tuy nhiên, vào khoảng giữa năm 2014, khi xác định giá mủ cao su sẽ nhanh chóng bước qua thời “hoàng kim”, ông đã quyết đoán chặt bỏ hơn 10ha cây đang cho thu hoạch, chuyển sang xây dựng trang trại chăn nuôi lớn, tự lai tạo giống heo, bò quy mô lớn.
Nhờ vào quy trình khép kín, học hỏi áp dụng cập nhật về khoa học kỹ thuật, nghiên cứu điều tiết tăng giảm đàn hợp lý, nhạy bén theo từng thời điểm, vệ sinh phòng bệnh cho vật nuôi tốt, trang trại của ông Mười Thời đã liên tục gặt hái nhiều thành công trong hơn 30 năm qua.
Luôn nhạy bén, quyết đoán tìm hướng đi mới
Vẫn với tầm nhìn xa, quyết đoán và nhạy bén, đi tắt đón đầu, gần 5 năm trở lại đây, ông Thời giảm dần đàn heo, chuyển sang nuôi các loại cá, chim cút và đầu tư khu du lịch. Ông Thời cũng chia sẻ, tương lai khi sân bay Long Thành cất cánh, việc chăn nuôi tại địa bàn có thể sẽ không còn phù hợp, nên ông đang chuyển hướng dần sang đầu tư cây cối, mảng xanh, hạng mục để làm khu nghỉ dưỡng hoặc khu du lịch sinh thái. Hiện, ông đang đầu tư khu du lịch sinh thái kết hợp khu dân cư và trang trại nông nghiệp công nghệ cao, với tổng quy mô xây dựng kết nối gần 15ha tại xã Lộc An. Dự tính, khu du lịch sẽ hoàn thành và hoạt động vào năm 2025, cùng với mốc thời gian hoàn thành giai đoạn 1 dự án Sân bay quốc tế Long Thành.
Theo ông Mười Thời, dự án khu du lịch sinh thái kết hợp dân cư và nông nghiệp công nghệ cao dự tính đầu tư khoảng hơn 100 tỷ đồng, chưa tính giá trị tiền đất. Dự án này rất được lãnh đạo địa phương ủng hộ. Với dự án này, ngoài đầu tư du lịch, ông sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã tại địa phương mở thêm các dịch vụ giải trí, ẩm thực, làm các sản phẩm thủ công truyền thống, quà lưu niệm... góp phần tạo chuỗi gắn kết nông nghiệp với du lịch, quảng bá với tiêu thụ sản phẩm phù hợp với định hướng phát triển du lịch và quy hoạch phát triển thương mại - dịch vụ của huyện.
“Trong bán kính 15km quanh dự án Sân bay quốc tế Long Thành hiện có đến hàng trăm dự án đô thị thương mại, khu dân cư, khu tái định cư cùng các khu công nghiệp được quy hoạch nhưng chưa có một dự án du lịch sinh thái quy mô lớn nào nên định hướng dự án của chúng tôi là hợp lý và khả quan”, ông Thời chia sẻ.
Tại buổi tham quan của đoàn công tác, ông Bùi Minh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc An cho biết, nông dân Võ Hữu Thời không chỉ là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn rất có uy tín và đóng góp nhiều cho cộng đồng. Với sự quyết đoán, nhanh nhạy nắm bắt tình hình, luôn sáng tạo, biết cách chuyển hướng phù hợp; việc sản xuất, kinh doanh hiệu quả; nông dân Võ Hữu Thời từng được công nhận là nông dân giỏi của huyện trong nhiều năm; từng nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2015; từng đại diện cho nông dân tỉnh Đồng Nai dự lễ tuyên dương Nông dân Việt Nam xuất sắc tại thủ đô Hà Nội và tham gia đối thoại với Thủ tướng tại thành phố Cần Thơ vào năm 2019.
Còn theo đại diện UBND xã Lộc An, nông dân Võ Hữu Thời không chỉ là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, còn là nhà hảo tâm, thường xuyên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, trung bình mỗi năm hỗ trợ khoảng 100 triệu đồng cho các hoạt động xã hội và khuyến học; ngoài ra còn hiến nhiều đất làm đường giao thông; làm nhà ở cho người nghèo; đóng góp làm đường điện cho dân vùng sâu; hỗ trợ các hội viên nông dân vay vốn không lãi suất...
Giữa cái nắng nhẹ trưa vùng Đông Nam bộ, bên khu hồ cá bao la, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định đã vui vẻ đánh giá cao nỗ lực của nông dân Võ Hữu Thời.
“Thật đáng trân trọng những tấm gương luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi phát triển kinh tế, Hội Nông dân cần phát huy được vai trò của những nông dân giỏi để kết nối gắn kết, chia sẻ hỗ trợ cùng nhau phát triển hơn nữa”, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhắn nhủ.
Tại xã Lộc An, ngoài mô hình kinh tế của ông Thời còn có nhiều mô hình phát triển kinh tế mạnh như mô hình nuôi bò sữa cho thu nhập gần 200 triệu đồng/tháng của ông Lâm Quang Tín, tại ấp Bình Lâm; mô hình kinh doanh thực phẩm gia súc gia cầm lợi nhuận khoảng 900 triệu/năm của ông Vũ Văn Thông, tại ấp Hàng Gòn; trang trại nuôi bò sữa cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm của ông Huỳnh Văn Lập, tại ấp Thanh Bình...