Hiện nay, việc trồng bưởi khi áp dụng công nghệ cao vào canh tác tại Đồng Nai đang được đẩy mạnh, giá thấp mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân trồng bưởi để ổn định sản xuất và đời sống sau đại dịch COVID-19. Là một trong những người tiên phong về việc ứng dụng công nghệ cao vào canh tác, ông Thang Văn Tú, ngụ xã Sông Thao, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) một nông dân đã sử dụng men vi sinh bản địa IMO để sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên diện tích 8ha đất trồng bưởi cho biết.
Cách làm này giúp gia đình ông giảm 60-80% chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ông tin rằng đây là hướng phát triển an toàn, bền vững trong sản xuất và nhận định này là có cơ sở khi đang được Hội Nông dân huyện triển khai, tuyên truyền nhân rộng trong hội viên nông dân.
Ông Tú cho biết, cơ duyên khiến ông thay đổi suy nghĩ và phương thức canh tác đến từ năm 2019 khi đi tham quan và học hỏi kinh nghiệm tại Đài Loan (Trung Quốc). Sau đó, ông quyết định tìm tòi, học tập qua mạng cũng như sách báo để chuyển qua trồng bưởi theo hướng hữu cơ. Để thay thế phân bón hoá học, ông đã tận dụng các loại trái cây, lá rụng có sẵn trong vườn như: bưởi, mít, chuối và phân dơi, phân yến, ốc sên... ủ phân cùng với men mật rỉ đường, cám gạo… để tạo thành chế phẩm vi sinh vật bản địa (IMO). Tất cả nguyên liệu trộn đều, ủ trong thùng nhựa có nắp đậy. Ở mỗi thùng ủ đều được ông ghi chép lại ngày tháng cụ thể để theo dõi quá trình lên men của phân. Tuỳ mỗi loại rau củ, trái cây, phân động vật mà công thức được ông sử dụng khác nhau. Quy trình này được ông khép kín trong thùng ủ từ 3 tháng trở lên. Sau khi thành công, ông pha trộn 1 lít với 100 lít nước tưới cho cây trồng. Với công thức này, ông không cần bổ sung dinh dưỡng khác cho cây.
“Khi bắt tay vào làm chế phẩm IMO này thì tôi gặp nhiều khó khăn do chưa quen các bước kỹ thuật cùng như đã tưới cây quá nhiều dẫn đến quả bưởi lứa đầu không đạt chất lượng. Sau một thời gian thì thấy việc dùng IMO để tưới đạt hiệu quả rất cao, vì vậy tiết kiệm đến ⅔ chi phí so với dùng phân bón hoá học. Từ đó giảm giá thành khi trước đây bưởi xuất ra thị trường giá 20 ngàn/kg thì nay chỉ cần bán với giá 12 ngàn/kg là đã có lãi”, ông Tú chia sẻ.
Bên cạnh việc sử dụng chế phẩm IMO trong việc tạo phân bón, ông Tú còn tận dụng IMO kết hợp với bồ hòn tạo ra thuốc trừ sâu thay cho thuốc bảo vệ thực vật. Đây là sự kết hợp đạt hiệu quả và thành công rất cao bởi hiệu quả phun diệt côn trùng, sâu, bọ là rất ấn tượng, do đó phương pháp này không chỉ thân thiện với môi trường mà còn rất an toàn cho người sử dụng. Ông Tú cho biết, sử dụng phương pháp hữu cơ thì đất tơi xốp, ít sâu bệnh, cây phát triển, cho quả to và đều, tiết kiệm được nhiều chi phí trong việc mua thuốc bảo vệ thực vật và xung quanh vườn sạch hơn. Qua 2 năm triển khai, đến nay mô hình của ông bước đầu đã mang lại hiệu quả. Nhờ tận dụng các nguồn trái cây có sẵn, không tốn chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên với giá bán từ 18-20 ngàn/kg, hằng năm cho thu nhập trên 2 tỷ đồng.
Cùng quyết tâm thay đổi cách sản xuất trong những năm qua, ông Hồ Văn Biển, ngụ xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, (Đồng Nai) đã tìm tòi, tự tạo ra phân sinh học bón cho cây bưởi. Nhờ dùng phân sinh học nên vườn bưởi của ông Biển có sức bền, cho trái đều và được thị trường ưu chuộng. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi giá phân bón hóa học không ngừng tăng, việc dùng phân sinh học mang lại lợi ích kinh tế lớn. Trong hơn 20 năm trồng bưởi, mỗi khi chăm sóc vườn của mình để chống ốc sên ăn lá, ông Biển mua thuốc rải xung quanh gốc khiến cho ốc sên ăn và bị chết. Ông phát hiện rằng những cây bưởi có ốc sên chết nhiều dưới gốc phát triển rất tốt, lá xanh, trái to, ngọt. Sau nhiều những thử nghiệm, cuối cùng ông Biển rút ra công thức dùng ốc sên, cá, đậu nành, mía đường ngâm ủ để làm phân.
Ông Biển chia sẻ, qua năm 5 năm chỉ sử dụng phân sinh học tưới cho cây bưởi, mặc dù không khó khăn nhưng khá vất vả. Tại khu vực của ông ốc sên sinh sống rất nhiều nên mỗi tối là bắt được hàng chục kg. Ngoài ra, việc đặc mua cá chết, loại thải cùng các loại rau củ khá rẻ và dễ mua nên chuẩn bị vật liệu tốt. Với 2,5 ha trồng bưởi, mỗi tháng tưới sinh học 2 lần với kinh phí là 35 triệu đồng tiết kiệm hơn 65 triệu đồng so với việc dùng phân hóa học.
Theo ông Biển, do thường xuyên dùng phân bón hóa học nên vườn bưởi của ông Biển bị suy kiệt, nhanh già cỗi. Từ khi dùng phân sinh học, vườn của ông có sức bền, cho nhiều trái (mỗi trái trọng lượng khoảng 1,5kg) với chất lượng tốt. Năm 2022, dù bưởi da xanh chỉ có giá trung bình khoảng 15.000 đồng/kg, nhưng từ đầu năm đến nay, ông Biển đã thu về hơn 700 triệu đồng tỷ đồng từ 2,5 ha bưởi.
“Phân sinh học sau 3 tháng ngâm ủ là sử dụng được, đặc biệt là càng để lâu hiệu quả càng cao. Tôi sử dụng thùng phi để ngâm ủ phân, quá trình ngâm tôi phải đậy kín và sử dụng thuốc để hạn chế mùi hôi. Khi tưới phân, tôi dùng máy bơm và tưới tự động bằng hệ thống béc nước đã lắp đặt sẵn trong vườn. Tôi sẵn sàng chia sẻ công thức cho ai muốn học. Trong đó, ông Hồ Văn Lành cùng xã đã được tôi chỉ và sau ba năm đã thành công, dự tính năm nay sẽ thu lãi 400 triệu đồng”, ông Hồ Văn Biển khẳng định.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lộc, ông Võ Văn Hải, cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có hàng nghìn ha cây ăn trái trong đó bưởi da xanh là dòng chủ lực với diện tích vào khoảng 500 ha. Việc nông dân trên địa bàn xã ứng dụng công nghệ cao trong việc trồng trọt và chăn nuôi đang đạt được hiệu quả tốt khi mà cây cho trái đều và được thị trường rất ưa chuộng. Với những lợi ít trên nên các ngành chức năng đang xem xét để nhân rộng mô hình và chủ trương thành lập tổ công tác để xây dựng thương hiệu cho bưởi da xanh của xã Phú Lộc.
Hiện nay Đồng Nai có hơn 73.000 ha cây ăn trái; trong đó, có trên 10.300 ha bưởi. Những năm gần đây diện tích bưởi ở Đồng Nai tăng nhanh, tuy nhiên nhiều người dân không nắm được kỹ thuật, lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu khiến cây bưởi phát triển kém, năng suất, chất lượng thấp.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai luôn chủ trương khuyến khích nông dân trên địa bàn ứng dụng công nghệ cao trong việc trồng trọt, điều này không chỉ tốt cho cây mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững. Tới đây, ngành nông nghiệp Đồng Nai sẽ tổ chức khảo sát, qua đó nhân rộng những mô hình nông nghiệp sử dụng phân hữu cơ, phân sinh học mà người dân đã áp dụng thành công.