Tại hội thảo, đại diện Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cho biết, nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hội viên nông dân tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, từ năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo thành lập tổ Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, gồm 19 thành viên là cán bộ, công chức Hội Nông dân tỉnh và 11 Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân các huyện, thành phố.
Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã phối hợp hỗ trợ hội viên nông dân trong tỉnh tiêu thụ được 10 tấn thịt gà, 2.000 con vịt và hơn 584 tấn trái cây các loại như thanh long, bưởi, chôm chôm, củ sắn và các loại nông sản khác.
Đặc biệt, thông qua khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm của nông dân đặt tại trụ sở Hội, đến nay đã có trên 350 sản phẩm của trên 40 nhà cung cấp là chủ trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác trồng trọt, chăn nuôi, nông dân có các sản phẩm đạt tiêu chuẩn tham.
Trong thời gian qua, khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm đã kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ khoảng trên 5 tấn/tháng đối với mặt hàng nông sản tươi, các mặt hàng đã qua chế biến, đóng gói trên 2.000 sản phẩm/tháng. Ngoài ra, khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm Hội Nông dân tỉnh đã kết nối với các công ty, doanh nghiệp, tổ hợp tác sản xuất ở các địa phương để ký các hợp đồng tiêu thụ.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các đơn vị trong tỉnh Đồng Nai trình bày tham luận về những kế hoạch và công tác hỗ trợ nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Cụ thể như tham luận của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đồng Nai về thực trạng kinh tế tập thể, hợp tác xã và giải pháp phát triển; tham luận của Sở Công thương Đồng Nai về việc triển khai thực hiện quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 9/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Tham luận của Hội nông dân huyện Xuân Lộc về hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể gắn với tiêu thụ nông sản năm 2022; Tham luận của Hội nông dân huyện Long Thành về công tác tổ chức các dịch vụ hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp, liên kết tiêu thụ đối với hội viên, nông dân tham gia các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, câu lạc bộ năng suất cao trên địa bàn; Tham luận của Công ty Cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh – Chi nhánh Đông Nam Bộ về định hướng phối hợp với Hội nông dân trong thời gian tới. Tham luận của Công ty Cổ phần Donafarm (Đồng Nai Farms) về kết nối mô hình tiêu thụ nông sản với các mô hình sản xuất tổ hợp tác, hợp tác xã trong thời gian qua và giải pháp trong thời gian tới; Tham luận của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát về việc hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể gắn với tiêu thụ nông sản năm 2022; Tham luận của Hội nông dân huyện Trảng Bom về phát triển mô hình nông sản sạch từ liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Tại hội thảo, các đại biểu là đại diện hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến, Hội Nông dân các huyện còn chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình và phát huy hiệu quả các đơn vị kinh tế tập thể gắn xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững. Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh giới thiệu nguồn vốn ưu đãi và các điều kiện vay vốn đối với hộ nông dân, đơn vị kinh tế tập thể. Bưu điện tỉnh giới thiệu các kênh hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng giới thiệu về ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, tái sử dụng chất thải nông nghiệp làm phân hữu cơ.
Điển hình cụ thể là hội viên nông dân Trương Văn Mỹ, ngụ tại ấp Suối Cát 2, xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc. Ông Mỹ là ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân huyện, cũng là nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền, bản thân ông đã đứng ra vận động hội viên tham gia xây dựng hợp tác xã, đồng thời ký kết cung ứng cho nhiều công ty thu mua ca cao trên địa bàn trong và ngoài tỉnh hàng trăm tấn mỗi năm. Hợp tác xã ca cao Suối Cát được thành lập vào ngày 26/6/2020, gồm 22 thành viên tham gia canh tác trên diện tích 21,2 hecta ca cao. Sau 1 năm hỗ trợ thì hiện nay Hợp tác xã ca cao Suối Cát đã hình thành được vùng nguyên liệu với tổng diện tích trên 70 hecta. Với qui trình sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP nên sản phẩm trái ca cao của hợp tác xã được nhiều công ty thu mua đánh giá cao về năng suất và chất lượng. Để tiếp tục nâng cao thu nhập cho các thành viên của hợp tác xã, đến nay, Hợp tác xã đã trang bị hệ thống máy móc để chế biến sâu thành các sản phẩm kẹo, thức uống từ hạt ca cao. Đồng thời còn mở rộng và hướng dẫn cho các địa phương khác học tập và làm theo mô hình này.
Đáng chú ý tại hội thảo còn có tham luận của Hội nông dân huyện Trảng Bom với nội dung phát triển mô hình nông sản sạch từ liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, huyện Trảng Bom hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững, đặc biệt hình thành các vùng chuyên canh sản xuất cây trồng quy mô lớn cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến hàng nông sản xuất khẩu. Đến nay, toàn huyện có 13.065 hộ sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp với trên 13 nghìn lao động, trong đó có 11.521 hội viên nông dân. Nổi bật nhất là Hợp tác xã Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạchThanh Bình được thành lập ngày 21/1/2019 tại xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom.
Hợp tác xã này khởi đầu đi lên từ những nông dân, với mong muốn nông sản mình sản xuất ra bán được chứ không tồn ứ, hay giải cứu, cũng trong tình cảnh được mùa mất giá, được giá thì mất mùa. Hợp tác xã đi lên bắt đầu từ Tổ hợp tác trồng chuối ở địa phương và cũng từ đó nông dân ở đây quyết xây dựng vùng trồng gắn với xây dựng thương hiệu riêng để xúc tiến thương mại, với quy trình sản xuất chặt chẽ và an toàn qua từng niên vụ. Hợp tác xã sản xuất các sản phẩm nông sản, nhưng chủ lực là chuối già lùn Nam Mỹ với tổng diện tích nội bộ 70 ha, diện tích hàng năm liên kết thu mua thực hiện các hợp đồng xuất khẩu và thị trường nội địa 230 ha.
Kết luận tại hội thảo, đại diện Hội nông dân tỉnh Đồng Nai cho biết, thông qua việc tổ chức hội thảo này đã góp phần giúp hội viên nông dân hiểu rõ, khắc phục những hạn chế và chủ động tham gia, xây dựng, cũng cố và phát triển các hình thức kinh tế tập thể, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Các đại biểu cũng tích cực thảo luận về thực trạng tình hình phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua và đưa ra giải pháp trong thời gian tới.
Qua hội thảo cũng đánh giá về kết quả đạt được trong việc thực hiện công tác vận động hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, công tác hỗ trợ về vốn, vật tư nông nghiệp, liên kết tiêu thụ nông sản đối với các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Các đại biểu giao lưu, trao đổi, gắn kết giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp với doanh nghiệp đầu tư trong sản xuất, tiêu thụ và làm rõ vai trò của Hội Nông dân tham gia vào công tác phát triển kinh tế tập thể gắn với xây dựng thương hiệu, tiêu thụ nông sản, liên kết sản xuất.