Chi phí tuân thủ thủ tục thuế chỉ bằng 0,1% thủ tục xây dựng
Theo kết quả khảo sát đối với hơn 3.000 doanh nghiệp trên cả nước đã thực hiện 8 nhóm thủ tục hành chính (khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh, thuế, đầu tư, giấy phép, chứng chỉ hành nghề, hải quan, đất đai, môi trường và xây dựng) trong 6 tháng cuối năm 2017, hai trong số ba nhóm thủ tục dẫn đầu với mức chi phí tuân thủ thấp nhất là nhóm thuế và nhóm hải quan, trong đó nhóm thuế đứng ở vị trí quán quân. Đây là nhóm thủ tục thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, cơ quan đã và đang rất tích cực trong việc cải cách các thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Kết quả khảo sát cho thấy chi phí tuân thủ trung bình của thủ tục hành chính thuế thấp nhất (khoảng 73,75 nghìn đồng) và chỉ tương đương với 0,58% chi phí tuân thủ trung bình của 8 nhóm thủ tục hành chính được khảo sát (khoảng 12,7 triệu đồng) và tương đương với 0,1% chi phí tuân thủ trung bình của nhóm cao nhất là nhóm thủ tục hành chính xây dựng (khoảng 64,1 triệu đồng).
Một đặc điểm dễ nhận thấy là 3 nhóm thủ tục (thuế, khởi sự kinh doanh và hải quan) có mức chi phí tuân thủ thấp nhất - theo kết quả Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (Chỉ số APCI 2018) của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cũng chính là những nhóm thủ tục đang được ứng dụng dịch vụ công trực tuyến ở mức cao hơn so với các nhóm còn lại. Những nỗ lực cải cách của ngành thuế dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đã tạo nên khoảng cách khác biệt giữa nhóm thủ tục thuế với các nhóm thủ tục khác. Với những cam kết và nỗ lực hiện đại hóa ngành thuế, Tổng cục Thuế đã bắt kịp ngay với những giải pháp cải cách được Chính phủ đưa ra ngay từ Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh đầu tiên vào năm 2014. Những năm sau đó, làn sóng cải cách đã lan tỏa khắp ngành thuế thông qua chỉ đạo của Tổng cục Thuế và thực thi của ngành thuế địa phương.
Với mong muốn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để thực hiện tốt nhất cam kết cải cách và hiện đại hóa ngành thuế, trong 3 năm gần đây, Tổng cục Thuế đã chủ động phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện khảo sát về sự hài lòng của doanh nghiệp hàng năm. Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính thuế đã đem lại những hiệu ứng tích cực, cắt giảm thời gian cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính, xóa bỏ tiếp xúc giữa doanh nghiệp và cán bộ thuế... tiết kiệm được thời gian và chi phí cho cả nhà nước và doanh nghiệp. Doanh nghiệp được yêu cầu sử dụng hệ thống phần mềm cung cấp bởi ngành thuế cho phần lớn các thủ tục hành chính có tần suất cao, thay vì nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan thuế. Thời gian thực hiện trung bình của doanh nghiệp cho một thủ tục trong nhóm thủ tục thuế chỉ là 2,9 giờ làm việc. Đây là một trong những nhóm thủ tục được Ngân hàng Thế giới vinh danh trong Báo cáo Đánh giá môi trường kinh doanh 2018 (Doing Business 2018) khi tăng gần 15/100 điểm so với năm 2017, từ 57,99 lên 72,77 điểm.
Là cơ quan chủ trì xây dựng Luật Doanh nghiệp và Nghị quyết số 19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang có nhóm thủ tục đứng thứ hai trong bảng xếp hạng, nhóm thủ tục khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh với chi phí tuân thủ là 720,7 nghìn đồng. Trong đó, thời gian thực hiện được ghi nhận là 10,5 giờ làm việc của doanh nghiệp. Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực khởi sự doanh nghiệp đã được Chính phủ chỉ đạo trong những năm qua, nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp và thu hút đầu tư trong nước. Mức chi phí được ghi nhận cho nhóm thủ tục này ở APCI 2018 dường như đang thấp hơn mức chi phí thuê tư vấn trọn gói phổ biến trên thị trường. Điều này cho thấy, các thủ tục hành chính trong nhóm thủ tục này đang dần dễ hơn cho doanh nghiệp tự tìm hiểu và tự thực hiện với chi phí hợp lý hơn.
Thực chất, đây là nhóm thủ tục có định hướng cải cách từ nhiều năm trước, bắt đầu từ Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT/BKH-BTC-BCA của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Công an hướng dẫn cơ chế phối hợp giữa các cơ quan giải quyết đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và cấp giấy phép khắc dấu đối với doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Đến nay, với những tiến bộ về đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, các doanh nghiệp khi khởi sự cần thực hiện những thủ tục như đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận doanh nghiệp, chuyển đổi công ty... đều có thể thực hiện trực tuyến.
Những cải cách này đã đem lại những kết quả đáng khích lệ với số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường ngày càng gia tăng. Năm 2016 đã đi vào lịch sử kinh tế Việt Nam như là năm đầu tiên xác lập kỷ lục thành lập mới doanh nghiệp vượt ngưỡng 100.000. Trong quý đầu tiên của năm 2018, số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động là 35.200, tương đương với mức gần 400 doanh nghiệp mới thành lập và quay lại hoạt động một ngày. Những tiến bộ mà nhóm thủ tục này có được cũng là nhờ nỗ lực cải cách của Chính phủ trong các năm gần đây với mục tiêu hướng đến xây dựng Chính phủ điện tử và đẩy mạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tuy nhiên, dư địa cải cách về thời gian thực hiện nhóm thủ tục hành chính này vẫn còn khi so sánh với nhóm thủ tục thuế và khi còn xếp hạng thấp trong Báo cáo Đánh giá môi trường kinh doanh 2018 của Ngân hàng Thế giới (123/190). Với tinh thần “Chính phủ kiến tạo - Nhân dân khởi nghiệp”, việc tiếp tục cải cách nhóm thủ tục này là rất cần thiết, góp phần thúc đẩy và khuyến khích nhiều hơn nữa doanh nghiệp khởi nghiệp gia nhập thương trường, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Đứng thứ ba trong bảng xếp hạng chỉ số APCI2018 là nhóm thủ tục hành chính hải quan. Cùng với ngành thuế, ngành hải quan đã tích cực đưa hệ thống công nghệ thông tin vào áp dụng, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Kết quả này càng khẳng định việc các bộ, ngành tích cực áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước là một biện pháp cải cách hiệu quả, phù hợp với định hướng thúc đẩy Chính phủ điện tử khi Cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra.
Chi phí cao vượt trội ở nhóm thủ tục đất đai, đầu tư, môi trường và xây dựng
Ngược lại với 3 nhóm trên, 4 nhóm thủ tục đất đai, đầu tư, môi trường và xây dựng có quan hệ mật thiết với nhau trong việc đầu tư xây dựng dự án có sử dụng đất của một doanh nghiệp đang đứng ở nửa cuối của bảng xếp hạng APCI 2018. Trong đó, nhóm thủ tục môi trường và nhóm thủ tục xây dựng có mức chi phí tuân thủ thủ tục hành chính ở mức cao cách biệt so với các nhóm thủ tục khác. Ngay từ khi thực hiện Đề án 30 của Chính phủ, đã có nhiều khuyến nghị cân nhắc kết nối những thủ tục hành chính cần thiết trong 4 nhóm thủ tục này thành một chu trình thủ tục xuyên suốt giữa các cơ quan nhà nước thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất và xây dựng. Đến Nghị quyết số 43/NQ-CP của Chính phủ ngày 06/06/2014 về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh, những khuyến nghị tương tự một lần nữa lại được đưa ra. Tuy nhiên, cho đến nay, khuyến nghị này chưa được cân nhắc thể chế hóa. Khi các thủ tục hành chính đứng riêng lẻ, doanh nghiệp có thể sẽ phải chuẩn bị những loại hồ sơ giấy tờ giống nhau cho từng cơ quan, cũng như phải mất thêm nhiều thời gian tìm hiểu về thứ tự thực hiện các thủ tục hành chính, kết quả là làm tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp một cách không cần thiết.
Các nhóm thủ tục thuộc phân nhóm có chi phí tuân thủ cao, gấp từ 3 đến 5 lần chi phí tuân thủ trung bình của 8 nhóm thủ tục được khảo sát (12,69 triệu đồng) và gấp rất nhiều lần nhóm thủ tục có chi phí tuân thủ thấp nhất. Chi phí tuân thủ của riêng nhóm thủ tục xây dựng đã là 64,1 triệu đồng, gấp 1,5 lần tổng chi phí tuân thủ của 7 nhóm thủ tục còn lại. Mặc dù về chi phí thời gian, nhóm thủ tục này không nằm ở mức cao nhất (103,9 giờ làm việc và 2,15 triệu đồng) nhưng chi phí trực tiếp cao vượt trội đã làm nhóm thủ tục xây dựng trở nên đắt đỏ bậc nhất. Chỉ số thành phần (chi phí trực tiếp) đã trở thành yếu tố quyết định mức chi phí tuân thủ của nhóm thủ tục này. Với mỗi 1 triệu đồng doanh nghiệp chi trả cho bất kỳ một thủ tục nào trong nhóm này, 0,93 triệu đồng là chi phí trực tiếp doanh nghiệp cần để hoàn thành hồ sơ và 0,07 triệu đồng là chi phí thời gian mà doanh nghiệp phải bỏ ra. Trong đó có những thủ tục hành chính trong hai nhóm thủ tục xây dựng và môi trường yêu cầu doanh nghiệp phải thuê một bên thứ ba có đủ trình độ và bằng cấp thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành, như chuẩn bị và thẩm tra hồ sơ thiết kế hoặc chuẩn bị hồ sơ đánh giá tác động môi trường. Điều đó lý giải tại sao hai nhóm này có chi phí tuân thủ cao vượt trội.
Khảo sát của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, phần lớn thời gian đang được doanh nghiệp dành ra để thực hiện việc chuẩn bị hồ sơ và chỉnh sửa bổ sung hồ sơ. Trung bình, doanh nghiệp dành hơn 55% thời gian cần thiết thực hiện một thủ tục hành chính để chuẩn bị hồ sơ. Tiếp sau đó, doanh nghiệp dành hơn 17% thời gian để chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước. Như vậy, ba bước tìm hiểu thông tin, nộp hồ sơ và nhận kết quả đang chiếm gần 30% quỹ thời gian mà doanh nghiệp dành cho một thủ tục hành chính.