Sáng 10/4, ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng ban Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, robot TBM thứ hai với tên gọi “Táo bạo” đã chính thức hoàn thành công tác lắp đặt và bắt đầu bước vào giai đoạn nghiệm thu tại công trường nhà Ga S9-Kim Mã của dự án Tuyến Metro số 3 Hà Nội.
Robot TBM thứ hai đã được lắp đặt thành công dưới độ sâu gần 20 m so với mặt đất tại ga S9-Kim Mã, Hà Nội.
Ngay sau khi lắp đặt thành công, quá trình SAT được tiến hành. Đây là quá trình thí nghiệm kiểm tra toàn bộ chức năng của thiết bị sau khi lắp đặt và tích hợp với hệ thống phụ trợ. Mục đích chính của SAT là đánh giá tổng thể thiết bị sau quá trình lắp ráp thông qua các thông số kỹ thuật của thiết kế.
Theo ông Lê Trung Hiếu, nội dung của SAT gồm: kiểm tra vận hành, thông số và đo lường các thành phần chính của máy TBM số hai: Khiên đào, buồng điều khiển, buồng nguyên liệu, vít tải, băng chuyền, thiết bị khoan, dẫn động chính, bộ lắp dựng vỏ hầm, các hệ thống thủy lực, bôi trơn, mạch nước, khí, an toàn, điện, hỗ trợ khác.
Hai roto TBM sẽ di chuyển trên hệ thống đường ray để đào hầm dưới lòng đất.
Dự kiến, thời gian của quá trình SAT sẽ diễn ra trong 1 tuần, được thực hiện bởi nhà sản xuất máy TBM-Herrenknecht AG và nhà thầu. Sau đó, công tác kiểm tra SAT với sự chứng kiến của tư vấn chung và chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB).
Trước đó, ngày 9/2/2021, máy đào hầm TBM thứ nhất với tên gọi “Thần Tốc” đã hoàn thành công tác thí nghiệm nghiệm thu tại công trường.
Một số hình ảnh về roto đào hầm TBM "Thần tốc" đang trong quá trình chạy thử nghiệm dưới độ sâu gần 20 m so với mặt đất, tại ga S9-Kim Mã, Hà Nội (Ảnh: Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội):
Hệ thống cẩu nâng tự động giúp quá trình lắp ráp các thiết bị của hai roto đào hầm TBM.
Chuyên gia kỹ thuật của nhà sản xuất máy TBM-Herrenknecht AG đang kiểm tra các chi tiết sau quá trình lắp ráp roto thứ hai thành công vào đầu tháng 4/2021.
Quy trình thử nghiệm SAT là nhằm kiểm tra toàn bộ chức năng của thiết bị sau khi lắp đặt và tích hợp với hệ thống phụ trợ.