Mua bán dễ dàngThời gian gần đây, cơ quan chức năng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh liên tiếp phát hiện và thu giữ nhiều chất phụ gia thực phẩm đã hết hạn sử dụng, phụ gia độc hại... được dùng trong chế biến thực phẩm. Theo đó, ngày 13/4 vừa qua, đội quản lý thị trường 12B và đội cảnh sát kinh tế quận 12 đã kiểm tra và thu giữ gần 300 tấn hóa chất công nghiệp, chất phụ gia thực phẩm, chất bảo quản của 3 công ty chuyên kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm tại địa bàn quận 12. Ngày 15/4, Chi cục thú y Thành phố và Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cũng phát hiện hơn 1.045 kg thịt trâu Ấn Độ tại một cửa hàng chuyên bán thịt bò trên đường Bùi Hữu Nghĩa (quận 5) được tẩm ướp hóa chất, phù phép thành thịt bò để đem đi tiêu thụ...
Việc kinh doanh hóa chất sẽ bị siết chặt hơn để bảo vệ người tiêu dùng (ảnh chụp tại chợ Kim Biên, quận 5). |
Tại TP Hồ Chí Minh, chợ Kim Biên (quận 5) được xem là khu vực chuyên cung cấp các loại hóa chất công nghiệp, chất phụ gia thực phẩm cho toàn thành phố và các tỉnh phía Nam. Ngoài các hóa chất dùng trong công nghiệp như chất thông cống, chất tẩy trắng, hàn the... các loại hóa chất dùng chế biến thực phẩm cũng được bày bán công khai. Phổ biến nhất vẫn là các hoá chất hương liệu trái cây, bột sữa, đường hóa học, phụ gia tạo màu... với các công dụng từ làm mềm, dẻo hay giòn thức ăn đến tăng hương vị, màu sắc cho đồ ăn thức uống... có giá khá rẻ, từ 15.000 đến 60.000 đồng cho 100 gram tùy loại. Những phụ gia này được người mua cho vào các loại bún bò Huế, bún riêu, mì Quảng hay pha chế cà phê, trà sữa, trà chanh... để tăng màu hay mùi vị. Một số người kinh doanh tại đây đã bật mí: Chỉ với một gói 100 gram hương vị trà chanh, người mua về có thể cho ra hàng trăm ly trà chanh thơm ngon với giá rẻ.
Ông Phan Tấn Anh Kiệt, cán bộ phụ trách kinh tế phường 13 quận 5, cho biết hiện tại chợ Kim Biên có 17 sạp chuyên kinh doanh hóa chất công nghiệp và hóa chất thực phẩm. Ngoài số hộ kinh doanh này, các con đường nằm xung quanh chợ như Vạn Tượng, Phan Văn Khỏe, Kim Biên... cũng có hơn 50 địa điểm kinh doanh các loại hóa chất, chất phụ gia thực phẩm.
Cần phối hợp quản lýTheo ghi nhận của phóng viên tại chợ Kim Biên, hóa chất dùng trong công nghiệp và hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm được bày bán lẫn lộn. Tuy nhiên, không phải tiểu thương nào cũng có kiến thức về mặt hàng này, chỉ cần một sự nhầm lẫn nhỏ về chủng loại hoặc hướng dẫn sử dụng không đúng liều lượng và đúng cách cũng có thể dẫn tới hậu quả khôn lường đối với người sử dụng.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cho rằng việc kinh doanh hóa chất hiện nay rất phức tạp và khó quản lý. “Trước mắt, để kiểm soát việc buôn bán, sử dụng hóa chất độc hại trong thực phẩm, cần tách bạch nơi bán hóa chất công nghiệp và hóa chất thực phẩm. Mặt khác, cần có quy định người bán hàng phải có trình độ chuyên môn nhất định để có thể tư vấn, cung cấp thông tin cho người mua (như quy định kinh doanh thuốc chữa bệnh) để hạn chế mức độ thiệt hại mà hóa chất có thể gây ra cho người sử dụng”, ông Hòa đề xuất.
Để siết chặt quản lý việc kinh doanh hóa chất trên địa bàn, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo các ban ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất, đặc biệt tại chợ Kim Biên. Theo đó, thành phố đã giao cho lực lượng quản lý thị trường phối hợp UBND quận 5 kiểm tra, xử lý triệt để các điểm lưu trữ, sang chiết hóa chất trái phép... nhằm lập lại trật tự kinh doanh hóa chất trên địa bàn. Trong khi đó, lực lượng công an thành phố phối hợp quản lý thị trường tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các đối tượng kinh doanh hóa chất nhập lậu, hết hạn sử dụng, các loại hóa chất cấm, độc hại. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sẽ thanh tra, kiểm tra và tuyên truyền đến các tổ chức sản xuất, kinh doanh hóa chất trong lĩnh vực dược, hóa chất trong ngành thực phẩm, phụ gia thực phẩm... Riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thanh tra, kiểm tra quản lý hóa chất sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thú y, bảo vệ thực vật, bảo quản, chế biến nông sản, lâm sản, hải sản và thực phẩm...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, muốn tránh tình trạng lạm dụng hóa chất, phụ gia độc hại trong chế biến thực phẩm như hiện nay thì chỉ biết kêu gọi, trông chờ vào lương tâm, ý thức của người kinh doanh. Bởi bản thân hóa chất không có tội, mà người có tội là người lạm dụng hóa chất khi chế biến thực phẩm.
Bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cho biết: Các chất phụ gia thực phẩm không gây độc hại khi được dùng đơn lẻ, nhưng nếu kết hợp nhiều phụ gia trong quá trình chế biến có thể phát sinh những chất độc hại do phản ứng hóa học hay do tác động vật lý. Vì vậy, người tiêu dùng khi mua thực phẩm nên đọc kỹ nhãn mác để biết thực phẩm có chứa bao nhiêu chất phụ gia để có quyết định lựa chọn phù hợp. Trong quá trình chế biến thực phẩm tại gia đình không nên lạm dụng phụ gia như bột ngọt, bột nêm, phẩm màu, chất làm mềm, chất tẩy trắng... |