Cấp thiết giải “bài toán” cơ cấu giống lúa: Bất cập trong thực hiện cơ cấu giống lúa hiện nay

Việc xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp và trung bình của nước ta ngày càng giảm do sự cạnh tranh của một số nước cũng sản xuất gạo loại này. Thực tế này đòi hỏi cần phải thay đổi cơ cấu giống lúa theo hướng tăng dần tỷ lệ gieo cấy những giống phẩm cấp cao. Có như vậy, mặt hàng gạo của nước ta mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường và nâng cao được giá trị xuất khẩu.

 

Thời gian qua, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp, người nông dân vẫn ồ ạt gieo cấy giống lúa IR 50404, một giống lúa tuy có năng suất cao nhưng phẩm cấp thấp. Điều này dẫn đến việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

 

Khó tiêu thụ, giá thấp


Một trong những nguyên nhân chính khiến lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) yêu cầu giảm diện tích giống lúa IR 50404 trong vụ hè thu 2012 là do tiêu thụ lúa giống này đang gặp khó.


 

Thu hoạch lúa đông xuân 2011 - 2012 tại phường 5, thành phố Vị Thanh, Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương – TTXVN

 

Vừa qua, thị trường xuất khẩu gạo cấp thấp bị giảm sút đã khiến tiêu thụ lúa gạo xuất khẩu nước ta gặp nhiều khó khăn, giá bán thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do đa phần gạo xuất khẩu nước ta được sản xuất từ giống lúa có phẩm cấp thấp, trong đó có IR 50404. Báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong tình hình xuất khẩu gạo gặp khó thì sản lượng lúa IR 50404 quá nhiều là điều rất đáng lo ngại. Có địa phương như U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Gò Quao, Châu Thành... của tỉnh Kiên Giang, nông dân không bán được, dù giá lúa chỉ ở mức 4.000 - 4.200 đồng/kg, do đó, lượng lúa IR 50404 tồn kho hiện đang rất lớn.


Lý giải về tình hình này, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2012, có một bất lợi là Pakixtan, Mianma và Ấn Độ cũng cạnh tranh với ta trong việc cung cấp cho thị trường gạo phẩm cấp thấp và trung bình. Điều này làm giảm khả năng tiêu thụ gạo của ta sang các thị trường như châu Á, châu Phi.


Ngành nông nghiệp đã có văn bản yêu cầu, đối với giống lúa phẩm cấp thấp, mỗi địa phương sản xuất không quá 20% tổng diện tích gieo cấy. Đồng thời, để đối phó với vấn đề thiên tai, dịch bệnh, thời tiết khí hậu, phải có yêu cầu khắt khe là xuống giống đồng loạt, tập trung để né rầy và hạn chế sâu bệnh.


Do dó, trong vụ hè thu 2012, Bộ NN&PTNT kiên quyết chỉ đạo các địa phương chuyển mạnh từ gieo trồng giống lúa phẩm cấp thấp như IR 50404 sang gieo giống lúa có phẩm cấp cao. “Hiện nay, Việt Nam có đủ giống tốt, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long để cho người nông dân lựa chọn cơ cấu giống phù hợp. Các địa phương hiện đã chuẩn bị các giống này khá đầy đủ, giá cũng hợp lý”, ông Nguyễn Trí Ngọc khẳng định.


Trở ngại từ thói quen sản xuất


Theo TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay, về cơ cấu giống, ngành nông nghiệp đã đưa ra khuyến cáo đối với 3 nhóm rất rõ ràng. Theo đó, nhóm phẩm cấp trung bình, thấp như IR 50404, OM 576... hạt ngắn, bạc bụng, chất lượng thấp thì không cấm sản xuất nhưng quy mô không được quá 20%, chủ yếu để tiêu dùng nội địa, làm bánh, làm bún. Nhóm thứ hai là nhóm gạo chất lượng cao hạt dài, không bạc bụng, xuất khẩu dễ thì sản xuất khoảng 60 - 70%. Nhóm thứ ba là nhóm gạo đặc sản là gạo thơm, ví dụ như OM 4900 sẽ đảm bảo khoảng 10 - 15% hiện nay, chúng ta đã bắt đầu tăng được sản lượng xuất khẩu nhóm gạo này; năm 2011 xuất khẩu được 400 ngàn tấn; năm 2012 xuất khẩu dự kiến là 600 ngàn tấn.


Khuyến cáo là thế, nhưng thực tế, cơ cấu giống không thực hiện được như vậy. Trong vụ đông xuân 2011 - 2012, Bộ NN&PTNT cũng đã định hướng rõ cơ cấu giống, nhưng đáng tiếc, bà con vẫn ồ ạt gieo trồng giống lúa IR 50404. Theo Bộ NN&PTNT, trong vụ đông xuân 2012, diện tích gieo sạ giống lúa IR 50404 tăng mạnh. Diện tích lúa IR50404, trong vụ đông xuân này ở toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tăng lên 27,6%. Nhiều nơi còn vượt xa con số này, điển hình như Đồng Tháp là 52%.


Nguyên nhân, theo Cục trưởng Cục Trồng trọt, thói quen và tư duy của người trồng lúa nước ta hiện nay vẫn chuộng những giống dễ tính, có năng suất cao. Ưu thế của lúa IR 50404 là dễ trồng, ngắn ngày, năng suất cao.


Chung nhận định này, theo TS Lê Văn Bảnh, bất cập hiện nay là thói quen sản xuất của bà con nông dân. “Cũng có chuyện nông dân đến thời điểm gieo sạ mới đi kiếm giống chất lượng cao nhiều khi khó quá nên lại về lấy sẵn giống của nhà mình từ vụ trước. Điều này khiến rất khó quản lý việc thực hiện cơ cấu này”, TS Lê Văn Bảnh nói.


Cũng theo các nhà khoa học, hiện nay chúng ta không thiếu giống lúa chất lượng cao để trồng nhưng bà con vẫn thích trồng IR 50404 vì thời gian sinh trưởng ngắn có thể làm nhiều vụ và tuy dễ nhiễm sâu bệnh nhưng áp lực sâu bệnh không lớn vì thời gian đứng lúa không dài như các giống khác. Ngành nông nghiệp đã khuyến cáo, nhưng người dân vẫn chọn giống lúa phẩm cấp thấp theo thói quen. Đây là vòng luẩn quẩn mà nếu không có những giải pháp căn cơ, người nông dân sẽ luôn luôn nơm nớp nỗi lo “trúng mùa, rớt giá”.

 

Mạnh Minh 

Kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ
Kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ

Để người nông dân tuân thủ khuyến cáo về thực hiện cơ cấu giống theo mùa vụ, việc yêu cầu và đề nghị của cơ quan quản lý là chưa đủ, nếu không nói là không hiệu quả. Cái gốc của việc thay đổi cơ cấu giống lúa là phải có sự kết nối chặt chẽ hơn giữa sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN