Để người nông dân tuân thủ khuyến cáo về thực hiện cơ cấu giống theo mùa vụ, việc yêu cầu và đề nghị của cơ quan quản lý là chưa đủ, nếu không nói là không hiệu quả. Cái gốc của việc thay đổi cơ cấu giống lúa là phải có sự kết nối chặt chẽ hơn giữa sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.
Để khống chế diện tích lúa phẩm cấp thấp trong vụ hè thu năm 2012, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các địa phương điều tra cơ cấu các giống lúa đã gieo sạ, để nắm chắc diện tích lúa IR50404 đã gieo. Đối với diện tích còn lại, giao trách nhiệm cho chính quyền xã hướng dẫn nông dân hạn chế hoặc không gieo giống IR 50404. Ngành nông nghiệp cần tuyên truyền sâu rộng, liên tục khuyến cáo trồng các giống lúa ngắn ngày, phẩm chất tốt để thay thế giống IR 50404.
Thu hoạch lúa tại Nông trường Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Đây là biện pháp trước mắt, nhưng theo Cục trưởng Cục Trồng trọt, về mặt lâu dài, nguyên tắc để quyết định vấn đề cơ cấu giống phụ thuộc rất nhiều vào thị trường. Bên cạnh đó, để người nông dân thay đổi rất cần sự định hướng của nhà nước. Định hướng này phải gắn kết được doanh nghiệp với người nông dân, đặc biệt là bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Nếu chỉ hô hào khuyến cáo người nông dân thay đổi giống lúa mà không gắn với việc tiêu thụ sản phẩm thì kết quả sẽ không như mong muốn.
Lãnh đạo Cục Trồng trọt khẳng định, sản xuất nông nghiệp của chúng ta hiện nay và sắp tới ngày càng phải theo yêu cầu thị trường, đáp ứng được yêu cầu thị trường. Trước mắt, thị trường sẽ đi theo hướng chuộng dùng những giống lúa có chất lượng cao. Bên cạnh đó, vẫn có những thị trường tiêu thụ gạo chất lượng thấp, như IR 50404 nhưng cũng có những thị trường yêu cầu gạo phẩm cấp cao...
“Như vậy, quan trọng nhất là phải dự báo được thị trường cần gì, cần bao nhiêu để đáp ứng. Người làm công tác thị trường tốt nhất là doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải vào cuộc”, ông Nguyễn Trí Ngọc nhấn mạnh.
Theo Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, một bất cập hiện nay là việc sản xuất, tiêu thụ lúa gạo còn bị phân đoạn, dẫn đến người trồng cứ trồng, người mua thích thì mua, không thích thì bỏ không mua cho nông dân. Việc thu mua kiểu “hàng chợ” như thế đang làm khổ người trồng lúa. Còn về phía nông dân, thực tế, người dân không làm theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp vì họ thấy ngay từ đầu doanh nghiệp vẫn không nói rõ là có thu mua hay không nếu họ trồng các loại giống phẩm cấp thấp. “Tóm lại là phải tổ chức lại sản xuất, doanh nghiệp phải đặt hàng. Doanh nghiệp cần “đo” được thị trường để có kế hoạch đặt hàng tới người nông dân. Nếu làm được như vậy, người dân sẽ yên tâm sản xuất”, TS Lê Văn Bảnh nói.
Việc thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn ngành nông nghiệp đang triển khai mấy năm qua là một trong những giải pháp để tiến tới giải quyết bất cập nêu trên. Theo đó, doanh nghiệp cung ứng trước giống tốt cho nông dân sản xuất trên một diện tích lớn, khi thu hoạch sẽ cho chất lượng đồng đều. Làm như thế sẽ bảo đảm tiêu thụ lúa gạo cho bà con nông dân một cách hiệu quả, bền vững và đồng thời cũng bảo đảm cho doanh nghiệp có đủ nguồn hàng chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Đây là cách làm cần thiết để tiến đến sản xuất theo vùng chuyên canh, sản xuất theo tiêu chuẩn cụ thể, xây dựng được thương hiệu và nâng cao được giá trị hạt gạo.
Tuy vậy, năng lực của các doanh nghiệp trong nước là vướng mắc chính khiến hiện nay tiến độ sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn còn chậm. Theo TS Lê Văn Bảnh, khi đã gia nhập WTO, doanh nghiệp xuất khẩu gạo của ta phải cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực mạnh. Nếu không đầu tư nâng cao sức cạnh tranh, bị lép vế với doanh nghiệp nước ngoài, khi đó, cả doanh nghiệp lẫn người nông dân đều chịu thiệt. Trong bối cảnh này, bắt buộc doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực của mình (nghiên cứu thị trường, đặt hàng nhà khoa học, đặt hàng nông dân, cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm...) thì mới có thể đứng vững.
Mạnh Minh