Canh tác lúa trên đất cát

Đây là lối canh tác lúa trên đất cát pha, loại đất chỉ thích hợp cho các cây hoa màu. Câu chuyện thật như đùa này đang diễn ra tại xã Đức Minh, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi).


Cách thị trấn Mộ Đức khoảng 5km theo con đường hướng ra phía biển Đức Minh, trong vườn nhà dọc hai bên đường mát một màu xanh của lúa. Đang tưới nước cho 10 sào lúa, nông dân Phạm Văn Lập, thôn Minh Tân Bắc cho biết: "Nghề trồng lúa trên đất cát pha đã có từ lâu, đến đời mình cũng gắn bó với nó. Thuận lợi hơn là có thể trồng ngay trong vườn nên dễ quản lý sâu bệnh, chuột hại, lại còn tiết kiệm chi phí tối đa, quỹ thời gian chăm sóc lúa cũng dài hơn".

Trồng lúa trên đất pha cát cho năng suất tương đương đất ruộng.

Gia đình anh Lập là hộ có diện tích đất nhiều nhất nhì trong xã. Ngoài đất nhà, anh còn mạnh dạn thuê thêm đất của bà con trong xóm để mở rộng sản xuất nông nghiệp. Anh Lập cho biết: "Đến mùa mưa lũ, nơi này ngập hết nên người dân nghĩ đến việc trồng lúa, chứ có cây nào chịu được úng đâu. Cứ thế, lối canh tác tự phát này thành phong trào và kéo dài qua năm tháng”.

Ngạc nhiên hơn với cách canh tác mà người dân ở đây thực hiện. Nếu đất ruộng phải trải qua nhiều công đoạn, thì đất cát pha chỉ việc đánh xe lồng xới tung đất cho tơi xốp, san bằng rồi rải giống đều, phủ một lớp đất mỏng lên bề mặt là xong.

Anh Nguyễn Văn Linh, thôn Minh Tân Bắc cho hay: "Mỗi năm chỉ canh tác được một vụ lúa này thôi. Thường thì gieo sạ vào giữa tháng 8 Âm lịch và thu hoạch vào thời điểm giáp Tết (cuối tháng 12). Dù trồng trong điều kiện khắc nghiệt nhưng lúa thích nghi tốt, phát triển đều. Năng suất sau thu hoạch gần bằng hoặc tương đương lúa ruộng, trên 50 tạ/ha". Anh Linh cho biết thêm, lúa trồng thế này hạt chắc, ngon nên gia đình không bán mà để dành nấu cơm cúng tổ tiên dịp năm mới.

Tuy nhiên theo người dân, do phụ thuộc vào nguồn nước trời nên khả năng được - mất mùa ngang nhau. Nhưng được mùa chiếm tỷ lệ cao hơn bởi họ nắm rõ quy luật tự nhiên và thuận theo đó mà sản xuất. Để thuận tiện hơn cho quá trình canh tác, mỗi gia đình cũng không ngại đầu tư một máy bơm để bổ sung nước cho lúa phòng trường hợp ông trời “không cho mưa”.

Ông Võ Minh Quang, Phó Chủ tịch xã Đức Minh cho biết, Đức Minh là xã duy nhất trong tỉnh có lối canh tác lúa trên đất cát pha. Toàn xã hiện có khoảng 150 ha đất cát pha trồng lúa với hơn 800 hộ dân tham gia, tập trung nhiều nhất ở 3 thôn Minh Tân Bắc, Minh Tân Nam, Đạm Thủy Bắc.

Xã đang phối hợp với Công ty giống TBT để hỗ trợ, cung cấp giống cho bà con. Công ty hứa sẽ bao tiêu sản phẩm tại vườn sau thu hoạch với giá lúa tươi bằng lúa khô nên sẽ tăng hiệu quả kinh tế gia đình rõ rệt nhờ giảm bớt các khâu trung gian như phơi và vận chuyển lúa.

Có thể nói, đây là phương thức canh tác thể hiện sự sáng tạo của nông dân. Mô hình này cần được ứng dụng ra nhiều địa phương khác để tận dụng triệt để nguồn đất cát pha bỏ hoang, nhằm nâng cao số vụ mùa và sản phẩm.

Vĩnh Trọng
Nhân rộng mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính
Nhân rộng mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính

Từ nay đến năm 2020, định hướng phát triển, tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Kiên Giang được xác định theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, trong đó cây lúa vẫn giữ vai trò chủ lực. Vì vậy, ngoài việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo chuỗi giá trị sản xuất lúa đồng bộ, tỉnh Kiên Giang chú trọng nhân rộng mô hình “Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính”, ứng phó với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN