Hiệu quả từ mô hình thí điểm
Dự án “Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính” được thực hiện thí điểm trong 3 năm (2012 - 2014) tại hai tỉnh Kiên Giang và An Giang. Theo Ths.Trần Thu Hà, Giám đốc dự án “Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính", kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính được xây dựng, phát triển trên nền tảng của kỹ thuật “1 phải - 5 giảm” kết hợp với những biện pháp quản lý nước khô, ướt xen kẽ và bón phân “4 đúng”, tạo ra các đồng lợi ích về bảo vệ môi trường, hiệu quả sản xuất lúa. Quy trình kỹ thuật này là quy trình kỹ thuật “1 phải - 6 giảm” (1 phải là giống xác nhận, 6 giảm gồm: Giảm giống, giảm thuốc, giảm phân, giảm nước, giảm thất thoát, giảm khí phát thải).
Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp huyện Tân Hiệp kiểm tra mô hình canh tác thuộc dự án trồng lúa giảm phát khí thải nhà kính. Ảnh: Trường Giang - TTXVN |
Hợp tác xã Kênh 7B (xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp) là đơn vị triển khai mô hình “Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính” vào tháng 7/2012 trên diện tích 270 ha. Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết: Tỉnh gắn kết đề án cánh đồng mẫu lớn vào thực hiện dự án mô hình “Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính”, triển khai 270 ha ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính, đồng bộ ứng dụng quy trình kỹ thuật “1 phải - 6 giảm”. Qua 6 vụ sản xuất, tổng diện tích canh tác theo quy trình kỹ thuật này đạt hơn 1.479 ha. Kết quả so với canh tác theo kỹ thuật truyền thống, năng suất lúa trung bình cao hơn khoảng 10%, lợi nhuận tăng bình quân 7,3 triệu đồng/ha, tăng thêm thu nhập cho nông dân 5 - 10% thông qua việc giảm chi phí sản xuất như: Giảm mật độ gieo sạ, giảm chi phí phân bón, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng và chi phí cung cấp nước và giảm chi phí công lao động. Ngoài việc giảm chi phí, hóa chất trên đồng ruộng, quy trình kỹ thuật canh tác theo mô hình làm cho chất lượng lúa gạo nâng lên, giảm tác động môi trường, ô nhiễm nguồn nước ra kênh rạch và giảm các ảnh hưởng tác động bất lợi đến sức khỏe nông dân.
Qua thực hiện dự án “Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính”, nông dân ngày càng nâng cao nhận thức về ý nghĩa kinh tế và môi trường của quy trình “1 phải - 6 giảm”, với trên 95% hộ nông dân vùng dự án canh tác lúa hiện nay theo quy trình kỹ thuật này. Chị Trần Thị Đào, Chi hội trưởng Hội phụ nữ ấp Kênh 7A, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) cho biết: Sau khi được hướng dẫn về kỹ thuật “1 phải - 6 giảm, tôi mới biết cây lúa không phải lúc nào cũng cần nước. Việc quản lý nước theo quy trình ngập khô xen kẽ không những giúp cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cao mà còn giảm lượng khí thải, phân bón, thuốc trừ sâu làm ô nhiễm môi trường và đồng ruộng, giảm đáng kể chi phí sản xuất, tăng thêm lợi nhuận cho nông dân.
Tiếp tục nhân rộng
Thạc sĩ Chu Văn Chuông, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT, khẳng định: Mô hình của dự án “Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính” đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và an ninh nguồn nước. Kết quả này rất quan trọng, đóng góp chủ trương của Chính phủ và Bộ NN&PTNT về tái cơ cấu ngành hàng lúa - gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững hơn, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh lúa - gạo, cải thiện đời sống nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm tác hại môi trường, tiết kiệm nguồn nước đang ngày càng khan hiếm của vùng.
Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết: Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ dựa trên kết quả đánh giá đầy đủ về hiệu quả kinh tế, môi trường canh tác lúa giảm khí thải nhà kính… để xây dựng và nhân rộng mô hình ở những nơi đủ điều kiện, liên kết sản xuất xây dựng cánh đồng lớn gắn với bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính ứng phó với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp. Tỉnh tiếp tục duy trì kỹ thuật canh tác “1 phải - 6 giảm” vùng thực hiện dự án ở Hợp tác xã Kênh 7B và nhân rộng ra toàn huyện Tân Hiệp; đầu tư phát triển sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn áp dụng quy trình kỹ thuật “1 phải - 6 giảm” kết hợp với kêu gọi doanh nghiệp tham gia, liên kết sản xuất với nông dân; tập trung đầu tư hoàn thiện, đồng bộ hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng để chủ động điều tiết nguồn nước để nhân rộng, ứng dụng mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính trong điều kiện BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp.
Đến năm 2020, lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Kiên Giang ổn định diện tích trồng lúa khoảng 365.000 ha, trong đó tập trung phát triển vùng chuyên canh lúa chất lượng cao 100.000 ha tại các huyện Hòn Đất, Tân Hiệp, Gò Quao, Giồng Riềng. Tỉnh áp dụng khoa học công nghệ, các biện pháp canh tác bền vững, cải thiện cơ cấu giống, cơ giới hóa để tăng năng suất, sản lượng lúa; đầu tư phát triển công nghiệp chế biến lúa gạo phục vụ tiêu thụ nội địa, xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu lúa gạo Kiên Giang. Theo đó, mô hình “Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính” ứng phó với BĐKH sẽ được chú trọng nhân rộng. |