Video không khí thi công sôi động trên công trường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi công tháng 11/2009 và liên tục gặp khó khăn, phải hoãn, giãn tiến độ do vướng mắc về vốn, giải phóng mặt bằng và "dậm chân tại chỗ" đã gần 10 năm.
Thời điểm khởi công, Bộ Giao thông vận tải đã ký biên bản bàn giao chuyển đổi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dự án về tỉnh Tiền Giang theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Sau 10 năm liên tục đình trệ, hiện dự án đã khởi động lại 21/21 gói thầu xây lắp trên toàn tuyến, đạt khoảng 27% tổng khối lượng thi công. Sau khi điều chỉnh, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 12.600 tỷ đồng, trong đó vốn BOT 10.400 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách. Tỉnh Tiền Giang hiện đã giải phóng mặt bằng dự án được gần 100%. Dự án do Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (Tập đoàn Đèo Cả) làm đại diện Ban quản lý dự án thi công.
Đầu tháng 12/2019, tỉnh Tiền Giang đã nhận được nguồn vốn bổ sung của Trung ương 2.186 tỷ đồng và hiện đã giao vốn cho doanh nghiệp dự án. Trong đó, hoàn ứng kinh phí cho doanh nghiệp dự án hơn 1.400 tỷ đồng, hoàn ứng ngân sách tỉnh gần 280 tỷ đồng, phần còn lại sẽ được đầu tư cho các hạng mục khác của dự án.
Theo ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, dự án đã chậm tiến độ trong thời gian dài, việc Trung ương bổ sung kịp thời 2.186 tỉ đồng vốn ngân sách Nhà nước để khởi động lại dự án không chỉ giúp khơi thông nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng, bảo đảm cho công trình hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng vào năm 2020 và đưa vào sử dụng năm 2021, mà còn tạo ra những phản ứng tích cực, không khí hăng say thi công, đẩy nhanh tiến độ trên công trường.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc điều hành hiện trường dự án cho biết, trên công trường, mỗi gói thầu hàng ngày đều đảm bảo huy động hàng chục nhân công, đầy đủ máy móc... thi công 3 ca, 4 kíp, xuyên đêm, tăng tốc thi công gấp 3 - 4 lần tiến độ dự án đề ra, nhất là các gói thầu đóng cọc ly tâm, đổ bê tông mố trụ cầu, trải vải địa kỹ thuật, cắm bấc thấm, lu lèn gia tải bề mặt cát, chống lún…
Theo ghi nhận của phóng viên, toàn tuyến có trên 50 cây cầu đã ra hình hài, 40 km nền đất yếu đang được cắm bấc thấm, trải vải địa kỹ thuật và đắp cát gia tải. Đây cũng là những hạng mục phức tạp, xử lý mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí khi phải gia tăng mật độ bấc thấm và tăng độ dày lớp cát để hút ép nước ra khỏi nền đất yếu, giúp nền đất cố kết vĩnh cửu.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, để dự án về đích đúng hẹn như lời hứa của Chính phủ với người dân đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều khó khăn, nhất là thời gian còn lại không nhiều, chỉ 14 tháng nữa phải thông tuyến và bắt buộc đến ngày 30/4/2021 phải đưa vào vận hành. Tiến độ khẩn trương, nhưng chất lượng công trình phải được bảo đảm, tuyệt đối không được sơ sẩy. Ngoài ra, nguồn nguyên vật liệu thi công cũng là bài toán khó, vì các địa phương trong khu vực không có sẵn nguồn đá, phải vận chuyển từ các tỉnh khác... Mặt khác, trong quá trình thi công, thời gian chờ xử lý nền đất yếu kéo dài hàng trăm ngày, cũng có thể ảnh hưởng đến tiến độ...
Video Giám đốc hiện trường dự án nói về tiến độ thi công.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là tuyến đường huyết mạch, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần quan trọng giảm tải cho quốc lộ 1A. Chiều dài toàn tuyến dự án 51,1 km, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương) tại Km 49 + 602 và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 30 tại Km 100 + 750 theo lý trình dự án.