Bên cạnh đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã có văn bản số 4317/UBND-KTTC ngày 10/10/2019 gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Ngân hàng tham gia hợp vốn đề nghị sớm hoàn thành việc ký kết hợp đồng tín dụng để giải ngân nguồn vốn tín dụng; tạo điều kiện cho doanh nghiệp dự án tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.
Tỉnh Tiền Giang cũng tiếp tục đôn đốc các ngành chức năng sớm hoàn tất các thủ tục cấp vốn hỗ trợ từ ngân sách; đôn đốc các ngân hàng tài trợ vốn sớm hoàn tất việc ký hợp đồng cung cấp tín dụng cho dự án. Hàng tuần, UBND tỉnh phân công một thường trực UBND tỉnh luân phiên cùng Giám đốc các Sở ngành liên quan kiểm tra tiến độ và chất lượng thực hiện dự án.
Ngoài ra, tỉnh xây dựng kế hoạch họp giao ban với Bộ Giao thông Vận tải định kỳ mỗi tháng một lần về tình hình triển khai thực hiện dự án để có thể kịp thời giải quyết thỏa đáng các vướng mắc phát sinh nếu có. Đồng thời, phối hợp cùng Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng lập kế hoạch định kỳ ba tháng tổ chức kiểm tra tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng công trình của dự án.
UBND tỉnh Tiền Giang cũng yêu cầu các Sở, ngành tỉnh phối hợp cùng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng công trình và giám sát quá trình thực hiện hợp đồng BOT của doanh nghiệp dự án. Mục đích, đảm bảo tiến độ công trình, chất lượng và hiệu quả dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn, dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có qui mô chiều dài toàn tuyến 51,1 km, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối đường cao tốc Tp Hồ Chí Minh – Trung Lương) tại Km 49 + 602 theo lý trình dự án và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 30 tại Km 100 + 750 theo lý trình dự án. Dự án được đầu tư xây dựng giai đoạn I theo hình thức hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng ; trong đó, 70% tổng vốn đầu tư (không kể nguồn ngân sách nhà nước) được cung cấp bởi các ngân hàng thương mại tài trợ theo hợp đồng tín dụng.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bố trí 2.186 tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn tăng thu ngân sách năm 2018 cho dự án. Đối với nguồn vốn tín dụng, dự kiến các tổ chức tín dụng sẽ tham gia tài trợ 5.800 tỷ đồng; phần vốn còn lại 1.282 tỷ đồng, các ngân hàng sẽ báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, giải quyết.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn, có 3.292 hộ phải giải tỏa với tổng số tiền đầu tư giải phóng mặt bằng 1.689 tỷ đồng. Để đảm bảo tiến độ theo cam kết với Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Tiền Giang tập trung chỉ đạo các địa phương vận động các hộ dân nhận tiền đền bù, giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng để bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp dự án. Nhờ vậy, đến nay đã bàn giao mặt bằng sạch trên tuyến chính 51,06 km/51,10 km, đạt 99,92%, chỉ còn 1 hộ chưa bàn giao mặt bằng.
Đồng thời, đã triển khai thi công 21/21 gói thầu, nhưng do doanh nghiệp dự án đang tổ chức rà soát lại năng lực của các nhà thầu thi công đồng thời do dự án đang gặp khó khăn về nguồn tài chính bởi chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn ngân sách chưa được phân bổ nên khối lượng thi công chưa cao. Các đơn vị thi công chỉ đạt giá trị 1.582 tỷ đồng, khoảng 27% tổng khối lượng dự án.
Khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp dự án đang gặp phải là nguồn vốn thực hiện dự án vẫn chưa được khai thông. Cụ thể, về vốn ngân sách hỗ trợ cho dự án thì tiến độ thực hiện các thủ tục để cấp vốn vẫn còn chậm. Tương tự, về vốn tín dụng đến nay các ngân hàng tài trợ vốn chưa thống nhất ký hợp đồng tín dụng, nên tiến độ thi công chưa được như mong muốn.