Nông dân livestream bán hàng
Chị Đỗ Thị Vân và em Hà Quang Thành, nông dân trồng vải ở huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), đã có lần đầu tiên được trải nghiệm công nghệ livestream bán hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Sendo vào ngày 6/6 vừa qua.
Trong buổi livestream, hai “nông dân trẻ” đã dẫn dắt hàng chục ngàn người xem đi tham quan vườn trồng vải thiều Lục Ngạn của gia đình. Buổi livestream 40 phút đưa người xem tham quan vườn trồng vải của gia đình chị Đỗ Thị Vân, thu hút khoảng 20.000 người xem và đã tiêu thụ 8 tấn vải thiều.
Để hỗ trợ tiêu thụ trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang được tổ chức phân phối một cách bài bản trên cả 6 sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam và qua chương trình Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia của Bộ Công Thương. Dự kiến vụ vải năm nay sẽ có khoảng 8.000 - 10.000 tấn vải thiều được tiêu thụ bằng hình thức này.
Đây là một trong những giải pháp mà các bộ, ngành, địa phương phối hợp với các doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử thực hiện để hỗ trợ người dân tiêu thụ vải thiều tại Bắc Giang và Hải Dương cũng như các nông sản tại địa phương khác.
Sau Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Bộ Công Thương sẽ đồng hành ứng dụng thương mại điện tử xuyên suốt và tiến tới hỗ trợ nông sản cả nước lên sàn.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường trực tuyến được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả. Hình thức này cũng là cánh tay nối dài bên cạnh phương thức phân phối truyền thống, từ đó giúp bà con nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ khắp 63 tỉnh thành, tận dụng lợi thế của công nghệ, kết hợp phát triển thị trường thương mại điện tử.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” trên các Sàn thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì đang triển khai rộng khắp các tỉnh, thành phố được đánh giá là một giải pháp hiệu quả, bền vững giúp các doanh nghiệp tại địa phương ứng dụng công nghệ số, ứng dụng thương mại điện tử để tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ trên toàn quốc.
Việc đẩy nhanh tiêu thụ nông sản, thương mại điện tử đang tiếp tục chứng minh là hướng đi đúng
đắn cho các địa phương và các doanh nghiệp trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh hiện nay, hướng đến kênh phân phối tiêu thụ hiện đại và mang tính bền vững.
Đưa nông sản Việt vươn ra thị trường thế giới
Không chỉ đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, nông sản Việt cũng đang từng bước chinh phục thị trường thế giới. Ngay trong những ngày đầu tháng 6, nhữnglô vải thiều đầu tiên đã đến tay người tiêu dùng tại Nhật Bản, Australia, Pháp…
Ngày 26/5, khoảng 20 tấn vải thiều sớm của huyện Tân Yên (Bắc Giang) được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn về thực phẩm và phòng dịch COVID-19.
Tiếp đến, ngày 7/6, Công ty Cổ phần Pacific Foods xuất lô vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đầu tiên sang châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA).
Mới đây, ngày 12/6, lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát triển đã được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không. Lô hàng này đã tận dụng được lợi thế về ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Ông Vũ Anh Sơn, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài suốt hơn một năm qua và đang diễn tiến phức tạp tại Việt Nam, đơn hàng vải thiều tới từ một đối tác uy tín tại Pháp đã xóa bỏ những nghi ngờ về năng lực cung cấp hàng hóa của Việt Nam, khẳng định thương hiệu, cũng như chất lượng quả vải Việt Nam nói riêng và hàng Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.
Với tem truy xuất nguồn gốc itrace247, người tiêu dùng tại Pháp không những có thể ngay lập tức tiếp cận với thông tin sơ bộ về nhà xuất khẩu, quy trình chế biến hay các chứng nhận chất lượng của nhà xuất khẩu, mà toàn bộ lịch trình chi tiết từ quá trình nuôi trồng, chăm sóc thu hoạch hay đóng gói đều được hiển thị rõ ràng theo trình tự thời gian. Đây là cách làm mới cần được phát triển trong thời gian tới .
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoạt động xúc tiến thương mại cũng như xuất khẩu sang các nước cũng gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan đại diện thương mại tại nước ngoài đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương
thức xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu hàng Việt Nam thông qua các nền tảng công nghệ số.
Đây là biện pháp phù hợp trong bối cảnh hạn chế di chuyển, đồng thời là giải pháp lâu dài nhằm tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả.
“Các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí mà vẫn phát triển tốt quan hệ với đối tác nước ngoài, bao gồm 55 thị trường xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có các thị trường lớn, như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, cùng
các thị trường tiềm năng ở châu Phi, Australia... Nhờ đó, nhiều mặt hàng của Việt Nam như nông sản dệt may, da giày... vẫn duy trì hoạt động thương mại và xuất sang các nước”, ông Vũ Bá Phú cho hay.
Ba tháng tới đây, ở các tỉnh miền Bắc sẽ có 3 loại cây ăn quả chủ lực thu hoạch rộ là 340.000 tấn vải, 300.000 tấn nhãn, trên 100.000 tấn xoài. Ngoài ra, còn nhiều loại quả khác cũng cần tiêu thụ như bưởi, cam, dứa và đặc biệt là chuối trên một triệu tấn. Còn ở miền Nam, còn có thêm chục loại cây ăn quả chủ lực khác cũng đang hoặc sắp vào vụ thu hoạch là: thanh long, bưởi, chôm chôm, sầu riêng, na, mít, bơ, chanh leo... Từ nay đến cuối năm, cả nước dự kiến sẽ có khoảng hơn 4 triệu tấn nông sản các loại cần được tìm đầu ra.