Các làng nghề hối hả cuối năm

Càng gần tới Tết Nguyên đán, không khí tại các làng nghề sản xuất hàng hóa phục vụ Tết ngày càng hối hả. Người dân thôn Ngự Câu (xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) tất bật chuẩn bị những mẻ bánh đa nem.

Làng nghề bánh tẻ Phú Nhi (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cũng nhanh chóng cho ra lò những mẻ bánh mới phục vụ người dân đón Tết.

Phơi bánh đa nem ở làng nghề Ngự Câu. Ảnh: HV


Tất bật vào mùa

Cách trung tâm Hà Nội gần 20 km về phía Tây, thôn Ngự Câu (xã An Thượng, huyện Hoài Đức) là làng nghề thủ công truyền thống chuyên sản xuất bánh đa nem. Những ngày giáp Tết, người dân nơi đây đang tất bật tráng bánh, phơi bánh, cắt bánh để kịp những chuyến hàng phục vụ dịp Tết sắp đến.

Điều dễ nhận thấy nhất ở Ngự Câu trong những ngày này là các phên bánh đa nem mới tráng, được phơi dọc các đường làng, ngõ xóm. Bên trong nhiều cơ sở sản xuất, tiếng máy tráng bánh, máy cắt chạy rầm rập, liên tục, không nghỉ ngơi.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, một chủ cơ sở làm bánh tráng ở thôn Ngự Câu, vào vụ Tết “hầu hết các gia đình phải làm tăng công suất. Hiện mỗi ngày gia đình ông tráng khoảng 100kg gạo, cho ra lò 18.000 – 20.000 bánh. Với giá bán trên 10.000 đồng/tập, mỗi ngày gia đình bán thu được vài triệu đồng.

Theo người dân Ngự Câu, để làm được chiếc bánh tráng ngon cần chọn gạo tốt nhưng không dính, pha thêm với chút muối để hương vị đậm đà. Tuy nhiên, bánh ngon còn phụ thuộc vào thời tiết, nếu trời nắng đẹp, bánh sẽ thơm ngon; còn nếu trời hanh khô, bánh dễ bị giòn.

Thôn Ngự Câu hiện có khoảng hơn 40 hộ làm bánh đa nem với trên 50 chiếc máy tráng. Trung bình mỗi ngày các lò trong làng tiêu thụ khoảng trên 3 tấn gạo. Những phên bánh tráng xong sẽ được đem phơi ngoài trời. Trung bình mỗi lò có thể tráng được 2.000 phên.

Bánh tráng buổi sáng, buổi chiều, thương lái đi lại nườm nượp trong làng để gom hàng mang đi giao. Bánh đa nem Ngự Câu có mặt khắp tỉnh thành, thậm chí được xuất khẩu sang một số nước trong khu vực Đông Nam Á.

Cách đó không xa, làng nghề bánh tẻ Phú Nhi, phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây cũng đang hối hả làm ra những mẻ bánh mới để phục vụ người dân mọi miền. Nổi tiếng nhất là gia đình bà Phạm Thị Bình, chủ cơ sở sản xuất bánh tẻ Thanh Bình, tổ dân phố Phú Nhi 3, phường Phú Thịnh. Gia đình bà đã có vài chục năm “lăn lộn” với nghề này.

Theo bà Bình, mỗi ngày gia đình bà sản xuất 300 – 400 chiếc bánh tẻ, giá 5.000 đồng/chiếc. Sau khi trừ chi phí cho lãi 1.000 đồng/chiếc. Trong những ngày cuối năm, nhu cầu của người dân tăng mạnh, gia đình bà phải thuê thêm thợ làm để kịp giao hàng.

Theo lãnh đạo UBND phường Phú Thịnh, toàn phường có gần 40 cơ sở sản xuất bánh tẻ, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương với thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Càng về gần Tết, hoạt động sản xuất của làng nghề càng sôi động hơn bởi nhu cầu tăng mạnh.

Đảm bảo vệ sinh thực phẩm


Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như để giữ chữ tín, giữ “chân” khách hàng, các làng nghề hiện nay đã coi trọng công tác an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường hơn. Theo anh Nguyễn Văn Hiếu (thôn Ngự Câu), bánh tráng ngon chỉ dùng một loại tạo, không pha tạp. Để đảm bảo an toàn thực phẩm phải vệ sinh cẩn thận phên phơi bánh, phơi ở những nơi khô thoáng, sạch sẽ.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã An Thượng (huyện Hoài Đức, Hà Nội), trong thời gian tới, xã sẽ kiến nghị lên huyện cùng các cơ quan chức năng của thành phố hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm bánh đa nem Ngự Câu.

Với làng nghề bánh tẻ, bà Phạm Thị Bình cho biết, gạo để làm bánh nhất định phải là gạo ngon, trắng tinh. Thùng chứa bột phải được thay nước thường xuyên. Thịt làm bánh tẻ phải là thịt ba chỉ hoặc nạc vai ngon được chọn lựa kỹ càng.

Hiện nay, một số địa phương lân cận đã bắt đầu làm bánh tẻ, nhưng chất lượng không đảm bảo vì họ sử dụng bột khô pha nước để tiết kiệm công sức. Để đảm bảo uy tín và thương hiệu, vừa qua, Phòng Kinh tế Sơn Tây đã giúp người làm bánh tẻ ở Phú Nhi dán tem nhãn hiệu sản phẩm bánh làng nghề.

Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thịnh Nguyễn Văn Sơn cho biết, đã có gần chục hộ đăng ký dán tem nhãn hiệu. Sắp tới, phường sẽ thành lập đoàn kiểm tra, hộ nào đủ điều kiện an toàn thực phẩm sẽ được cấp nhãn hiệu. Việc làm này sẽ giúp cho sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh và thương hiệu cho làng.


Hữu Vinh


Bảo tồn và phát triển làng nghề
Bảo tồn và phát triển làng nghề

Nhân kỷ niệm 84 năm thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, hướng tới 10 năm thành lập Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, ngày 24/11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp thân mật 40 nghệ nhân đại diện cho các làng nghề Việt Nam.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN