Các kịch bản cho nuôi tôm bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 6/12, tại Cần Thơ, Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo "Các kịch bản cho nuôi tôm bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long".

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo.

Theo đó, phát triển tôm siêu thâm canh, phát triển tôm sinh thái, nuôi tôm tổ hợp tác và chứng chỉ tôm chất lượng... là các giải pháp được nhắc tới nhiều nhất.

Tiến sĩ Văn Phạm Đăng Trí, Phó Khoa Tài nguyên - Môi trường (Đại học Cần Thơ) cho biết: Hội thảo nằm trong Dự án ALEGAMS (Assessing the Learning Effects of Games on Attitude of Stakeholders towards Sustainable Shrimp Farming- Đánh giá ảnh hưởng của việc học tập từ trò chơi đóng vai lên thái độ của người dân nuôi tôm bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long) được tài trợ bởi Quỹ nghiên cứu khoa học của Hà Lan (WOTRO) và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Đây là dự án hợp tác giữa Đại học Wageningen (Hà Lan), Đại học Cần Thơ và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) nhằm hỗ trợ người nuôi tôm trao đổi kinh nghiệm, học tập cộng đồng và nâng cao nhận thức về vai trò của rừng và kỹ thuật trong sản xuất tôm bền vững.

Các cán bộ quản lý, cán bộ khuyến ngư, nhà hoạch định chính sách, nông hộ… tham gia vào chương trình với các tình huống giả định về chính sách, khí hậu, thổ nhưỡng, kinh phí, thị trường nhằm đưa ra cách giải quyết vấn đề tốt nhất.

Qua đó, các bên cùng ngồi lại với nhau, lắng nghe và bàn bạc, tháo gỡ vướng mắc từ thực tế. Trên cơ sở đó, người nuôi tôm sẽ đưa ra quyết định phù hợp nhất về kế hoạch mở rộng quy mô nuôi, thay đổi mô hình nuôi… nhằm hướng tới phát triển bền vững, thích nghi với biến đổi khí hậu, thân thiện môi trường, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Tiến sĩ Trần Thị Phụng Hà (Đại học Cần Thơ), Điều phối viên của Dự án cho biết: Dự án được triển khai từ năm 2015 đến nay, tập trung tại tỉnh Bến Tre và Trà Vinh. Đây là hai địa phương có diện tích vùng ven biển lớn, thích hợp nuôi tôm nước lợ, tôm sinh thái kết hợp bảo tồn rừng ngập mặn. Đây cũng là hai địa phương luôn đối diện với nguy cơ xâm nhập mặn cao.

Do vậy, đòi hỏi cấp thiết phải có các kịch bản giúp người dân phát triển nông - lâm - ngư nghiệp phù hợp. Trong đó, mô hình “Tôm - Rừng” được các nhà nghiên cứu khuyến khích nhất, bởi nó tận dụng tài nguyên bản địa vốn có, đồng thời kết hợp được giữa nuôi tôm và phát triển du lịch sinh thái, tối đa hóa thu nhập, tối thiểu hóa chi phí cải tạo môi trường nuôi.

Tin, ảnh: Ánh Tuyết (TTXVN)
Nuôi tôm công nghiệp tập trung, hướng đi mới cho người dân ven biển
Nuôi tôm công nghiệp tập trung, hướng đi mới cho người dân ven biển

Nuôi tôm công nghiệp tập trung tại huyện Hải Hậu đang trở thành hướng đi mới cho người dân ven biển tỉnh Nam Định. Mô hình này mang lại giá trị kinh tế cao, giúp kiểm soát môi trường và hạn chế dịch bệnh cho đối tượng nuôi…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN