Các hãng xe không ảnh hưởng nhiều nếu hạn chế xe máy

Đại diện Hiệp hội Xe đạp, xe máy Việt Nam cho rằng việc hạn chế xe máy không có nhiều tác động đến ngành sản xuất xe máy trong nước vốn đang bị các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chi phối. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất xe máy cũng không vì thế mà phá sản.

Doanh nghiệp FDI đã “ăn đủ”

Hiện nay, theo ước tính, Việt Nam hiện đã có trên 37 triệu xe máy đang lưu hành, trong khi lộ trình quy hoạch của Bộ GTVT đến năm 2020, Việt Nam có 36 triệu xe máy. Như vậy, số lượng xe máy đang lưu thông trong nước đã vượt xa quy hoạch, đạt đến mức bão hòa tại một đất nước 90 triệu dân. Tuy nhiên, điều đáng nói là thị trường xe máy trong nước hoàn toàn là “sân chơi” của các “đại gia” nước ngoài.

Lắp ráp xe tay ga tại nhà máy của Công ty TNHH Piaggio Việt Nam tại Khu công nghiệp Bình Xuyên (Vĩnh Phúc).Ảnh: Danh Lam – TTXVN


Hồi đầu năm nay, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) được thành lập với 5 thành viên ban đầu gồm Honda, Piaggio, Suzuki, SYM và Yamaha. Đây là 5 liên doanh xe máy lớn nhất trên thị trường xe máy Việt Nam với tổng thị phần lên tới hơn 96%, trong đó riêng Honda chiếm gần 70%, kế đến là Yamaha khoảng 20%. Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam không có mặt bất cứ thương hiệu xe máy Việt Nam nào như Sunfat, RebelUSA, Lisohaka…

Theo ông Lê Quốc Tạo, Tổng Thư ký Hiệp hội Xe đạp, xe máy Việt Nam, thị trường xe máy đã bão hòa. Tính trung bình, cứ một người trong độ tuổi lao động sở hữu một xe máy. Dù có cấm xe máy thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) do họ đã “ăn đủ” trong suốt những năm qua. Trong khi đó, do không có những chính sách ưu đãi, chuyển giao công nghệ đủ mạnh nên các DN sản xuất xe máy trong nước mãi vẫn cứ “lẹt đẹt”.

Theo GS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (ĐH Kinh tế quốc dân), đối với điều kiện kinh tế Việt Nam, cơ sở hạ tầng và mức sống người dân còn thấp, đặc biệt các phương tiện công cộng kém phát triển thì không thể loại bỏ xe máy. Thời gian tới, chính sách giảm xe máy là cần thiết nhưng không có nghĩa là cấm. Xe máy đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian qua, trên cả 2 phương diện: phương tiện chuyên chở người và hàng hóa; đóng góp về thuế của ngành sản xuất xe máy.

“Nếu hạn chế sử dụng xe máy thì cầu giảm, ngành sản xuất xe máy sẽ giảm theo. Đặc biệt là đối với các DN sản xuất xe máy của Việt Nam hiện đang quá yếu thì sẽ thêm khó khăn. Tuy nhiên, không nên quá bi quan vì vẫn còn nhiều cơ hội ở thị trường nông thôn, miền núi - nơi mà xe máy vẫn là phương tiện ưu tiên số một”, GS Đào cho biết.

Sẽ chuyển hướng kinh doanh


Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, việc hạn chế xe máy sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến việc sản xuất xe máy. Điều này cũng sẽ tác động tới nguồn thu của Nhà nước từ ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, nếu so sánh với các lợi ích mà việc cấm xe máy mang lại thì vẫn được nhiều hơn mất.

Đại diện truyền thông của VAMM cho biết rất quan tâm đến đề xuất hạn chế xe máy tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, hiệp hội này từ chối trả lời phỏng vấn của phóng viên. Sự ra đời của VAMM không phải vào lúc cực thịnh của thị trường xe máy (với 3,5 triệu xe/năm) mà vào thời điểm thị trường xe máy Việt Nam liên tiếp có sự sụt giảm (năm 2011 tiêu thụ 3,1 triệu xe, năm 2012 là 3,1 triệu xe, năm 2013 là 2,8 triệu xe, năm 2014 dự báo giảm tiếp). Dễ hiểu là VAMM sẽ không cảm thấy thoải mái với đề xuất hạn chế xe máy bởi nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của các DN trong hiệp hội.

Tuy nhiên, tại lễ ra mắt hiệp hội vào đầu năm, đại diện VAMM cho biết, nếu Nhà nước quyết định áp dụng chính sách hạn chế cưỡng bức xe máy tại các đô thị lớn thông qua các biện pháp như giảm lượng đăng ký, thắt chặt quy định cấp biển số xe…, các thành viên của VAMM sẽ chuyển hướng sản xuất các mặt hàng xe máy cho nông thôn và giảm các model xe máy cho thị trường đô thị. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng sẽ giảm các dòng xe máy có trang bị công nghệ tiên tiến, các mẫu xe toàn cầu, cũng như tìm kiếm các thị trường xuất khẩu.

Theo các chuyên gia, những động thái mới đây của Honda trong việc đầu tư mở rộng tại Việt Nam (tăng thêm vốn, mở thêm nhà máy) cho thấy họ vẫn coi Việt Nam cũng như khu vực châu Á là thị trường rất tiềm năng. Theo GS Đặng Đình Đào, dù có hạn chế sử dụng xe máy tại Việt Nam thì họ vẫn có thể xuất khẩu xe sang các nước khác nên không cần quá lo lắng đến việc giảm doanh thu của DN và giảm nguồn thu từ thuế. Cần lưu ý, cấm lưu thông xe máy tại Việt Nam không đồng nhất với việc cấm sản xuất xe máy. Ngược lại, Việt Nam vẫn rất chào đón các DN FDI, trong đó có các DN sản xuất xe máy đầu tư vào Việt Nam.

Hoàng Dương
Cần có lộ trình hạn chế xe máy - Bài 1
Cần có lộ trình hạn chế xe máy - Bài 1

Số lượng xe máy được sử dụng trong cả nước hiện đã xấp xỉ 39 triệu chiếc, vượt chỉ tiêu sử dụng xe máy đến 2020 gần 3 triệu chiếc. Nếu không có lộ trình hạn chế ngay từ bây giờ, xe máy sẽ gây ra nhiều hệ lụy khôn lường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN