Cần có lộ trình hạn chế xe máy - Bài 1

Số lượng xe máy được sử dụng trong cả nước hiện đã xấp xỉ 39 triệu chiếc, vượt chỉ tiêu sử dụng xe máy đến 2020 gần 3 triệu chiếc. Nếu không có lộ trình hạn chế ngay từ bây giờ, xe máy sẽ gây ra nhiều hệ lụy khôn lường.

Bài 1: Số lượng xe máy đã vượt ngưỡng

Nhiều gia đình hiện có số xe bằng số nhân khẩu; nhiều khu tập thể, chung cư, cơ quan nhà nước thiếu chỗ gửi xe. Đường phố tắc nghẽn vào giờ cao điểm là những minh chứng thấy số lượng xe máy đã vượt quá ngưỡng cho phép.

Tỷ lệ sở hữu 1:1

Sống trong căn nhà không lấy gì làm rộng rãi, nhưng gia đình anh Quốc Khánh, ở Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) đã có tới 3 chiếc xe máy. Hai vợ chồng anh cùng cậu con trai cả, mỗi người sử dụng một chiếc. Cô con gái út sắp vào đại học, cần phương tiện đi lại, nên anh đang định mua thêm một chiếc xe máy nữa, nâng tỉ lệ sở hữu xe máy của nhà anh lên con số 1:1.

Ở thời điểm hiện tại xe máy vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân.


“Nhà trong ngõ, không có chỗ để xe, nên cuối giờ học, giờ làm là cả nhà phải dong xe ra Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, cách nhà gần nửa cây số để gửi. Bất tiện lắm, nhưng chẳng biết làm thế nào khác. Nhiều lúc thấy thừa, nhưng tính lại, mỗi người làm việc, học tập ở một hướng, không thể đi chung được...”, anh Khánh cho biết.

Tương tự, gia đình anh Quang Hải (quận Hai Bà Trưng), cả nhà 7 người thì có 7 xe máy. Nhà thì chật, nhưng vẫn phải dành chỗ để xe, do không muốn mang đi gửi xa. Tối đến, khi cả nhà về hết, thì xe dăng hàng, chẳng may có việc phải đi đâu, riêng chuyện dắt hết xe ra để đi cũng đã mất tới cả nửa tiếng đồng hồ. Chuyện bi hài hơn, anh Hải kể: Có hôm, bố anh Hải bị cảm nặng, phải đưa đi cấp cứu, cả nhà cuống cuồng vì sợ ông có mệnh hệ gì, nhưng cũng không thể nhanh được, vì phải khuân hết xe ra, thì mới có đường đưa ông ra xe cấp cứu. “Sau hôm đó, nhà tôi phải mang xe ra tận Bệnh viện Hữu nghị gửi, vừa xa, tốn tiền... Nếu biết mình không phải người nhà bệnh nhân, thì bệnh viện cũng không cho gửi...”, anh Hải kể.

Thực tế, “số lượng người bằng số lượng xe” như gia đình anh Khánh, anh Hải không hiếm tại các đô thị, thậm chí cả các vùng nông thôn, bởi chỉ cần hơn chục triệu đồng là có thể sở hữu một chiếc xe máy.

Không chỉ “quá tải” trong nhà, mà thực tế, ở bất cứ tuyến đường, nút giao thông nào hiện nay, đều có thể nhận thấy số lượng xe máy đang quá đông. Chưa kể khói bụi, mùi xăng xe, mà ai cũng cảm nhận được mỗi khi ùn tắc, chờ tín hiệu đèn giao thông, thì mọi người đều cho rằng, nếu xe máy tiếp tục gia tăng, hạ tầng không theo kịp, chẳng bao lâu nữa sẽ không còn chỗ cho xe máy lưu thông.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, số lượng xe máy được sử dụng trong cả nước hiện đã xấp xỉ 39 triệu chiếc. Trong khi đó, chỉ tiêu sử dụng xe máy được Bộ GTVT phê duyệt đến 2020 chỉ ở mức 36 triệu chiếc. Chỉ số ấy (tương đương 3:1) được coi là tương đối hợp lý. Nhưng đây mới chỉ là thống kê trên giấy tờ, còn thực tế có sự khác biệt lớn.

Cung đã vượt cầu


Vỉa hè phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) trước cổng trường Tây Sơn, được cửa hàng Honda cạnh đó thuê mặt bằng để làm nơi lưu chứa xe mới chờ xuất bán. Hàng ngày, nhân viên cửa hàng sáng dắt ra, chiều mang vào cả trăm xe máy Honda các loại, còn khách đến mua thì thưa thớt. Đại lý này đã bắt đầu “kêu” với hãng vì không bán được xe, nhưng do chính sách phân phối sản phẩm, dù có ế ẩm, đại lý vẫn phải nhập hàng về theo “định mức” hàng tháng.

Để giải quyết lượng xe tồn kho tại nhà máy, Honda cũng như nhiều hãng xe khác thường xuyên phải kích cầu bằng nhiều “chiêu” khuyến mãi như: Hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ, tặng phiếu quà tặng, quay số trúng thưởng và liên tục tung ra mẫu mã mới... nhưng vẫn ế ẩm.

Ông Masayuki Igarashi - Tổng Giám đốc Honda Việt Nam cho biết: Thị trường xe máy những năm tới sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Honda Việt Nam hiện đã đầu tư thêm 120 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất xe máy thứ 3 tại tỉnh Hà Nam. Khi hoàn thành, cả 3 nhà máy của Honda Việt Nam sẽ có công suất khoảng 2,5 triệu xe/năm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cung đã vượt cầu, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ “khủng hoảng thừa” xe máy và hãng đang xây dựng các chiến lược xuất khẩu sang các nước khác.

Còn theo Ủy ban ATGT Quốc gia, bình quân mỗi năm thị trường Việt Nam "khai sinh” thêm hơn 3 triệu chiếc xe máy. Với đà tăng như vậy, đến năm 2020, tổng số lượng xe máy lưu hành trên thị trường có khả năng đạt tới 60 triệu chiếc, vượt gần 24 triệu chiếc so với chỉ tiêu đã được phê duyệt.

Bài và ảnh: Tiến Hiếu

Bài 2: Xe máy, lợi bất cập hại
Bất cập sử dụng xe máy tại các thành phố lớn
Bất cập sử dụng xe máy tại các thành phố lớn

Số lượng xe máy được sử dụng trên cả nước hiện đạt gần 39 triệu chiếc. Đáng tiếc, việc chỉ tiêu "tăng trưởng" xe máy vượt ngưỡng gần 3 triệu chiếc và cán đích sớm 6 năm so với kế hoạch lại không phải là điều đáng vui mừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN