*Tại Bến Tre: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, Bến Tre sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP phát huy vai trò quảng bá sản phẩm. Đồng thời, hình thành mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh dịch vụ kết hợp với hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu tạo lập, phát triển mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP phát triển bền vững.
Bến Tre tổ chức xúc tiến thương mại hướng đến phát triển thị trường xuất khẩu, xuất khẩu tại chỗ. Địa phương ưu tiên hỗ trợ khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể để thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP, nhằm nâng cao hình ảnh của sản phẩm địa phương, dần dần giới thiệu, phố biến và đưa sản phẩm, dịch vụ đến với người tiêu dùng ở nhiều địa phương khác.
Cùng đó, tỉnh ứng dụng công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, thực hành nông nghiệp tốt nhằm thúc đẩy liên kết sản xuất, phát triển thị trường theo nhóm sản phẩm OCOP, được bảo hộ xác lập quyền sở hữu trí tuệ; trong đó, tăng cường hướng dẫn hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số mã vạch, dán tem truy suất nguồn gốc... đảm bảo theo quy định.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết, sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay tỉnh có 217 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên được công nhận sản phẩm OCOP; trong đó, có 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Đáng chú ý, chương trình OCOP tại Bến Tre đã giúp sản phẩm từ khu vực nông thôn có bước chuyển dịch cả về chất lượng và số lượng. Từ đó, tạo một lực đẩy mới cho kinh tế nông thôn.
Chương trình OCOP của Bến Tre là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Bến Tre đã phát triển nhiều sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng của địa phương như sản phẩm từ dừa, bưởi da xanh, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, tôm, cá, khô... Thời gian qua, tỉnh thường xuyên đầu tư, nâng cấp, chuẩn hóa, không ngừng hoàn thiện các sản phẩm OCOP đã có; đồng thời, xây dựng và phát triển thêm nhiều sản phẩm mới để tham gia chương trình.
Đến nay, một số sản phẩm OCOP chủ yếu mang tính đặc thù của tỉnh đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý như dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, sầu riêng... Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh của tỉnh đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Cụ thể, tỉnh đã thực hiện xác lập quyền cho 46 nhãn hiệu cộng đồng, gồm 6 chỉ dẫn địa lý, 9 nhãn hiệu chứng nhận, 31 nhãn hiệu tập thể. Ngành chức năng hỗ trợ khai thác, phát triển nhãn hiệu cộng đồng gắn với chương trình OCOP theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị và quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông sản chủ lực.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, hầu hết các sản phẩm OCOP của tỉnh phát triển dựa trên hoạt động sản xuất sẵn có và phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương... do thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Một số sản phẩm đã phát triển với quy mô lớn, đang từng bước khẳng định giá trị, chất lượng và thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao và ngày càng sử dụng nhiều hơn. Qua đó, bước đầu tác động thay đổi tập quán sản xuất, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở khu vực nông thôn.
*Tại Bắc Giang: Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang cho biết, tỉnh sẽ quan tâm xây dựng, phát triển thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh, giá trị các nông sản chủ lực, đặc trưng, các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Bắc Giang tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, thiết kế mới hoặc nâng cấp mẫu mã, bao bì, nhãn mác sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc; hướng dẫn, tạo điều kiện để các hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá, tiếp thị sản phẩm tại thị trường trong và nước ngoài.
Đồng thời, tỉnh vận dụng hiệu quả các quy định, chính sách đã được ban hành về xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực. Bắc Giang hỗ trợ nông dân kết nối với các doanh nghiệp chế biến, hệ thống tiêu thụ sản phẩm, từng bước hình thành mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng kết nối sản xuất, chế biến, phân phối và mua, bán sản phẩm để đưa nông sản sạch vào các siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Theo ông Dương Thanh Tùng, từ nay đến năm 2030, Bắc Giang đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, quan tâm phát triển du lịch cộng đồng gắn với di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương và các làng nghề, làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP. Tỉnh phát triển các sản phẩm có lợi thế của địa phương theo hướng đạt chuẩn sản phẩm OCOP nhằm phát huy bản sắc, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và nâng cao thu nhập cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Đồng thời, Bắc Giang hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa; tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước đẩy mạnh thương hiệu OCOP tại thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Tỉnh phấn đấu phát triển, tiêu chuẩn hóa tối thiểu 25-30 sản phẩm/năm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng trên 350 sản phẩm OCOP (thuộc nhóm 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc); trong đó có khoảng từ 3-5 sản phẩm 5 sao; trên 130 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao…
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Giang đã tích cực phối hợp với Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh xây dựng, phát triển các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang cũng tích cực hỗ trợ các hộ sản xuất xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản chất lượng, có giá trị thông qua việc đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số; hướng dẫn người dân tiếp cận các kênh thương mại điện tử để từ đó nâng cao giá trị, hiệu quả, chất lượng sản phẩm. Qua đó, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thị trường, tăng lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản chủ lực, đặc trưng, tiềm năng.
Đến nay, tỉnh có 52 sản phẩm chủ lực và đặc trưng, gồm: 8 sản phẩm chủ lực (vải thiều, gà, lợn, cam bưởi, lúa chất lượng, rau, lạc, cá); 14 sản phẩm đặc trưng, 30 sản phẩm tiềm năng; trong đó có 40 sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ, một số sản phẩm được bảo hộ tại nước ngoài như: “Mỳ Chũ”, “Mỳ Kế”, “Vải thiều Lục Ngạn” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan; “Gà đồi Yên Thế” được bảo hộ tại Singapore, Trung Quốc, Lào; “Vải thiều Lục Ngạn” được bảo hộ tại Mỹ, Australia, Singapore.
Tỉnh đã có 60 sản phẩm nông nghiệp được đăng ký nhãn hiệu, bao gồm: 2 chỉ dẫn địa lý, 4 nhãn hiệu chứng nhận, 54 nhãn hiệu tập thể.
Các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang được tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Riêng sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ, rau củ quả đóng hộp ... không những tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Pháp và một số nước ASEAN…
Dự kiến đến hết năm 2023, toàn tỉnh Bắc Giang có 240 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở nên, có 1 sản phẩm điểm du lịch nông thôn Du lịch sinh thái, văn hóa Bản Ven được công nhận và có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao vải thiều Hồng Xuân Lục Ngạn.