Bên cạnh đó, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm còn góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Điển hình, sản phẩm "Ống hút rau củ ECOS" của Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng (Đông Anh) được công nhận sản phẩm tiềm năng OCOP 5 sao đang được tiêu thụ rộng rãi trong nước và xuất khẩu. "Ống hút rau củ ECOS" là mô hình điểm của Hà Nội về sản xuất xanh, sạch, hướng tới lối sống xanh cho giá trị kinh tế cao.
Anh Lê Văn Tám, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng tại thôn Đại Mạch huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, sản phẩm "Ống hút rau củ ECOS" được làm từ nguồn rau củ quả sạch trồng theo hướng hữu cơ. Một sản phẩm độc đáo vừa có thể làm ống hút vừa có thể xào, luộc, nhúng lẩu, thậm chí là chiên thành các loại snack tạo ra những món ăn giàu dinh dưỡng và lạ miệng.
Đây là một sản phẩm thân thiện môi trường để người tiêu dùng dần dần từ bỏ thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần - hiểm họa gây ô nhiễm môi trường không khí, nước và sức khỏe mà cuộc sống hiện đại đang kêu gọi nói không với rác thải nhựa.
Theo anh Tám, ống hút được làm 100% bằng nguyên liệu hữu cơ, dây chuyền sản xuất được chuẩn hóa nên bảo đảm về chất lượng. Đặc biệt, trong hoàn cảnh ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như đời sống kinh tế xã hội của cộng đồng, ống hút từ rau củ quả sạch sẽ góp phần thay đổi nhận thức và hành động của người tiêu dùng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng ý thức rất cao về vấn đề bảo vệ môi trường, hạn chế dùng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần.
Hay sản phẩm "Chăn bông tơ tằm tự dệt" được chứng nhận 5 sao OCOP cũng là niềm tự hào của nghệ nhân Phan Thị Thuận (Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội ). Đây là ý tưởng được nghệ nhân Phan Thị Thuận ấp ủ trong nhiều năm, để sắp xếp cho những con tằm tự dệt tơ. Sản phẩm độc đáo bởi sự kỳ công, sự sáng tạo và chất lượng của những chiếc chăn bông tơi xốp tự nhiên, nhẹ và ấm áp. Đặc biệt, sản phẩm này cũng rất thân thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, hướng tới lối sống xanh - hướng đi tất yếu mà một xã hội văn minh hiện đại.
Sản phẩm "Chăn bông tơ tằm tự dệt" được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao và mong muốn nghệ nhân chia sẻ bí quyết để nhân rộng kỹ thuật sản xuất cho người dân các địa phương khác của cả nước.
Theo nghệ nhân Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, sản phẩm ra đời là kết tinh của nhiều tâm huyết, mày mò thử nghiệm. Sinh ra và lớn lên ở quê hương dâu tằm Phùng Xá, từ nhỏ bà Thuận đã gắn bó với nong tằm, cái kén. Đầu những năm 2010, khi ngồi quan sát con tằm làm tơ, đan kén, bà Thuận đã nảy ra ý tưởng để cho tằm tự dệt chăn tơ.
Nghĩ là làm, nhưng bà cũng gặp nhiều khó khăn vì tằm nhả tơ một cách tự nhiên theo bản năng. Lúc đó, bà lại phải tự tay bắt tằm, kiên trì sắp xếp chúng vào đúng vị trí. Vì buộc phải nhả tơ khi đến kỳ, nên tằm đã nhả tơ theo vị trí được định trước. Vậy là hàng ngàn, hàng vạn con tằm cùng nằm trên một mặt phẳng, rút ruột nhả tơ một cách chăm chỉ để dệt thành những tấm chăn bông tơ tằm bền đẹp. Khi tằm hết chu kỳ nhả tơ cũng là lúc tấm chăn hoàn thành...
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trực Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, để quảng bá sản phẩm, kết nối các sản phẩm OCOP Hà Nội tổ chức các hội chợ, sự kiện không chỉ nhằm tôn vinh mà còn khuyến khích các chủ thể OCOP tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao hơn nữa chất lượng giữ uy tín của sản phẩm OCOP khẳng định được thương hiệu và gắn "sao" trong tâm trí người tiêu dùng.
Song song với đó, các chủ thể cần không ngừng đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại và công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống của địa phương, mỗi sản phẩm OCOP đều kể câu chuyện riêng của mình.
Bên cạnh đó, các chủ thể cũng cần xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì nhãn mác sản phẩm; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường liên doanh, liên kết, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng. Đặc biệt, các chủ thể cần ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, sản xuất theo hướng bền vững. Bởi trong cuộc sống hiện đại, các thị trường châu Âu, Mỹ... rất quan tâm đến vấn đề môi trường, sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường. Nhiều sản phẩm OCOP đã xuất khẩu ra thị trường các nước như Australia, châu Âu, Nhật Bản... Đó là các sản phẩm của Công ty cổ phần thực phẩm Minh Dương; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam; Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc...
Đánh giá sản phẩm "Ống hút rau củ ECOS", ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, sản phẩm ống hút từ bột rau, củ, quả… là độc đáo nhất của Hà Nội. Sản phẩm được đánh giá cao không chỉ bởi tính hữu dụng mà còn bởi yếu tố thân thiện môi trường. Điều đáng nói, trong bối cảnh rác thải nhựa rất đáng quan ngại, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, việc phát triển các sản phẩm từ nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường được thành phố khuyến khích. Phát triển sản phẩm xanh, sạch, an toàn và bền vững cũng là định hướng mà Hà Nội đang hướng tới trong Chương trình OCOP.