Các địa phương khoanh vùng, lập chốt ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, các địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh phía Nam đã thực hiện khoanh vùng, lập chốt ngăn chặn dịch bệnh này.

Trước việc huyện Trảng Bom (Đồng Nai) vừa xác nhận xuất hiện dịch bệnh,, Tp. Hồ Chí Minh đang tăng cường thêm chốt chặn tại các cửa ngõ giao thông nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn việc vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn từ tỉnh thành lân cận có dịch vào thành phố.

Theo đó, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định bổ sung nội dung các tình huống thực hiện kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp, chỉ đạo các Sở ngành, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai, thực hiện chặt chẽ nội dung để hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Tp. Hồ Chí Minh là đầu mối tiêu thụ thịt lợn lớn nhất cả nước với sản lượng khoảng 10.000 con/ngày;  trong đó, đàn lợn nuôi trên địa bàn chỉ cung cấp được khoảng 15-18%. Bình quân mỗi ngày Tp. Hồ Chí Minh tiếp nhận gần 6.700 con lợn sống từ các tỉnh đưa về cơ sở giết mổ và 2.100 con lợn trung chuyển qua địa bàn để về các tỉnh tiêu thụ.

Riêng tỉnh Đồng Nai cung cấp tới 46% nhu cầu thịt lợn của Tp. Hồ Chí Minh. Do đó, khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Đồng Nai thì nguy cơ xâm nhiễm vào Tp. Hồ Chí Minh là cực kỳ cao. Tp. Hồ Chí Minh phải triển khai ngay các biện pháp ứng phó theo tình huống bệnh dịch tả lợn Châu Phi chưa xảy ra tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố nhưng xảy ra bệnh tại tỉnh có cung cấp nguồn thịt lợn cho thị trường này.

Cụ thể, ngành chức năng thành phố đang tiến hành lập chốt kiểm dịch tạm thời trên tuyến cao tốc Dầu Giây – Tp.Hồ Chí Minh để kiểm soát việc vận chuyển lợn và sản phẩm thịt lợn từ Đồng Nai và từ các tỉnh thành khác được trung chuyển qua Đồng Nai vận chuyển vào thành phố. Huyện Củ Chi thành lập chốt kiểm dịch tạm thời hoạt động tại khu vực cầu Phú Cường (khu vực giáp ranh giữa huyện Củ Chi với tỉnh Bình Dương) để chốt chặn, kiểm tra việc vận chuyển lợn sống và sản phẩm thịt lợn từ khu vực phía Bắc, Tây Nguyên, Bình Phước và Bình Dương nhập vào thành phố hoặc trung chuyển qua để về những tỉnh miền Tây.

Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an thành phố tăng cường kiểm tra giám sát vận chuyển lợn và sản phẩm thịt lợn vận chuyển qua tuyến đường sông.

Thêm vào đó, Tp. Hồ Chí Minh sẽ làm việc với với các tỉnh trong khu vực có cung cấp nguồn thịt sống, sản phẩm thịt lợn để thống nhất biện pháp kiểm soát và xác định những nguồn lợn an toàn cho phép vận chuyển vào thành phố giết mổ tiêu thụ.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La rắc vôi bột xử lý trước khi tiêu hủy số lợn bị bệnh dịch và có nguy cơ nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi của 9 hộ tại bản Bưa Đa, xã Bắc Phong. Ảnh: TTXVN phát

Tại Sơn La, theo thông tin từ lực lượng chức năng huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, huyện Phù Yên vừa công bố dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại bản Bưa Đa, xã Bắc Phong với 20 con lợn bị nhiễm bệnh. 

Trước đó, ngày 24/4, tại gia đình bà Bàn Thị Yến, bản Bưa Đa, xã Bắc Phong đã phát hiện có lợn ốm chết với triệu chứng như sốt cao, da màu đỏ tím, có các nốt ban ở bụng, bẹn, hậu môn xuất huyết… Nguyên nhân ban đầu được xác định, do gia đình bà Yến mua lợn từ khu vực vùng dịch tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái về nuôi.

Ngay sau khi nhận được thông tin, cán bộ thú y Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng I xét nghiệm; đồng thời, phối hợp với gia đình bà Yến tiêu hủy lợn nghi mắc bệnh dịch tả châu Phi.

Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, huyện Phù Yên đã nhanh chóng khoanh vùng dịch, lập thêm các chốt kiểm dịch đi vào xã Bắc Phong và tiến hành phun tiêu độc khử trùng khu vực xảy ra dịch. Cùng với đó, địa phương đã thu gom tiêu hủy 136 con lợn nhiễm bệnh và có nguy cơ nhiễm bệnh của 9 hộ gia đình trong bản Bưa Đa. 

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn, lãnh đạo huyện Phù Yên đã xuống địa bàn xảy ra dịch kiểm tra tình hình, đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Bắc Phong phòng chống dịch, tiến hành khoanh vùng dịch và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về dịch tả lợn châu Phi. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên Đinh Thị Thu Hà cho biết, địa phương đã chỉ đạo tập trung tuyên truyền, thống kê số đàn lợn trên toàn huyện để kiểm soát, tránh tình trạng người dân giấu bệnh. Trước đó, huyện Phù Yên đã có phương án, kịch bản ứng phó với bệnh dịch lợn tả châu Phi và rất chủ động với các phương án đã chuẩn bị từ trước.

Hiện huyện vẫn tiếp tục phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi tại tất cả các xã không để người dân vận chuyển từ vùng dịch ra và không mua bán gia súc, đặc biệt là lợn vào địa bàn mà không có sự kiểm soát dịch bệnh; kiểm tra chặt chẽ các chốt kiểm dịch và đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Tính đến nay, Phù Yên là huyện thứ 9 của tỉnh Sơn La xuất hiện dịch tả lợn châu Phi gồm: Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, Sông Mã, Yên Châu, Mộc Châu, Vân Hồ, Phù Yên; trong đó, huyện Bắc Yên đã công bố hết dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn.

Xuân Anh - Sơn Ca (TTXVN)
Khoanh vùng, xử lý ổ dịch tả lợn châu Phi ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai
Khoanh vùng, xử lý ổ dịch tả lợn châu Phi ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai

UBND huyện Trảng Bom đã công bố dịch tả lợn châu Phi tại ấp Tân Đạt, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN