Các trung tâm đăng kiểm đóng cửa do thiếu đăng kiểm viên, không đủ điều kiện hoạt động theo quy định tại Nghị định 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới…
Trong đó thành phố Hà Nội hiện có 18/31 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động với tổng số 23/61 dây chuyền kiểm định. Tại TP Hồ Chí Minh có 13/19 trung tâm đăng kiểm hoạt động với khoảng gần 30 dây chuyền kiểm định.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-BGTVT chính thức có hiệu lực thi hành từ 0 giờ ngày 22/3; trong đó, điểm đáng chú ý là miễn lần đầu đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng và kéo dài chu kỳ kiểm định xe cơ giới.
Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết hiện Bộ Giao thông vận tải đang khẩn trương rà soát để đề xuất sửa đổi Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới về các nội dung như cho phép người có trình độ trung cấp, cao đẳng kỹ thuật cơ khí, có kinh nghiệm làm việc trong các xưởng sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, có thời gian thực tập nghiệp vụ được thi sát hạch và cấp chứng chỉ đăng kiểm viên.
Ngoài ra, nghị định này cũng được đề xuất sửa đổi đó là mỗi dây chuyền kiểm định chỉ cần tối thiểu một đăng kiểm viên (bậc cao có thể đảm nhận tất cả các công đoạn trên một dây chuyền) thay vì cần tối thiểu 3 đăng kiểm viên, trong đó có 1 đăng kiểm viên bậc cao như hiện nay; mỗi dây chuyền kiểm định không bị giới hạn công suất mỗi ngày (hiện quy định là 90 xe/dây chuyền).
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đang ưu tiên nghiên cứu một số nội dung như cho phép các trung tâm đăng kiểm của lực lượng công an, quân đội và các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô đáp ứng quy định được phép hoạt động kiểm định xe ô tô; nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ đăng kiểm…