Cà Mau nuôi tôm công nghiệp đạt 15.000 ha vào năm 2020

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, đến năm 2020, tỉnh định hướng nuôi tôm công nghiệp đạt mức 15.000 ha (giảm 3.530 ha so với kế hoạch ban đầu đã đề ra), như vậy, bình quân mỗi năm tăng khoảng 1.000 ha.

Tỉnh tập trung phát triển loại hình nuôi ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, thân thiện với môi trường để bảo đảm cho đáp ứng yêu cầu sản xuất bền vững; phấn đấu đưa năng suất bình quân từ 9 - 10 tấn/ha/năm, với sản lượng đạt từ 140.000 - 150.000 tấn/năm. Đối tượng nuôi lâu dài được xác định là tôm sú và tôm thẻ chân trắng theo hình thức nuôi công nghiệp.

Hiện tại, nuôi tôm công nghiệp ở tỉnh ngoài việc phải đầu tư vốn lớn, giống bảo đảm chất lượng còn đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, nhưng chỉ có nuôi công nghiệp mới tạo ra khâu đột phá về năng suất, sản lượng cho con tôm Cà Mau.

Một vùng nuôi tôm tại Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN

Ông Nguyễn Trọng Nguyễn, nông dân xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau cho biết, để nuôi tôm công nghiệp đạt hiệu quả, ông phải thuê một kỹ sư chuyên ngành thủy sản để tư vấn, mỗi năm sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi trên 200 triệu đồng.

Để bảo đảm nuôi tôm công nghiệp đạt chỉ tiêu đề ra, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Theo đó yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung phù hợp theo hướng quy hoạch nuôi tôm công nghiệp phải dựa trên các yếu tố điều kiện tự nhiên, tránh tình trạng quy hoạch tự phát. Chú ý quy hoạnh gắn với bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, lựa chọn giống, vật tư có chất lượng cũng như tuân thủ các quy trình kỹ thuật để sản xuất hiệu quả.

Đồng thời, tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ cung ứng thức ăn, hóa chất, vật tư nuôi trồng thủy sản, bảo đảm đáp ứng yêu cầu cho người nuôi; xây dựng mối liên kết thông qua việc đầu tư trước sản phẩm, sau thu hoạch người nuôi sẽ thanh toán lại; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thức ăn, hóa chất, vật tư nuôi trồng phục vụ cho người nuôi nhằm đáp ứng đòi hỏi của thị trường ngày càng cao về sản phẩm sạch.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh, cần chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho nuôi tôm công nghiệp; trong đó, chú trọng tới điện và thủy lợi; tăng cường quản lý môi trường, tăng nguồn lực cho nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho con tôm Cà Mau...

Trần Thành Nên (TTXVN)
Người nuôi tôm Mộ Đức nói không với kháng sinh
Người nuôi tôm Mộ Đức nói không với kháng sinh

Sau nhiều năm sử dụng chất kháng sinh trong nuôi trồng để lại nhiều hệ lụy, thì nay người nuôi tôm ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi đã nói không với kháng sinh. Thay vào đó là sử dụng chế phẩm sinh học, nên sản phẩm xuất ra thị trường đều đảm bảo chất lượng.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN