Người nuôi tôm Mộ Đức nói không với kháng sinh

Sau nhiều năm sử dụng chất kháng sinh trong nuôi trồng để lại nhiều hệ lụy, thì nay người nuôi tôm ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi đã nói không với kháng sinh. Thay vào đó là sử dụng chế phẩm sinh học, nên sản phẩm xuất ra thị trường đều đảm bảo chất lượng.

Huyện Mộ Đức có khoảng 100 ha được quy hoạch để nuôi tôm trên cát, tương đương 300 ha thả nuôi/năm (3 vụ/năm). Khoảng từ năm 2011 - 2015, tình trạng tôm bị dịch bệnh chết hàng loạt liên tục xảy ra mà chưa được xử lý triệt để, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi tôm. Vì vậy, gần như toàn bộ diện tích nuôi tôm này đều bị bỏ hoang.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2015 đến nay, hồ nuôi tôm các xã ven biển trên địa bàn huyện đã khởi khắc trở lại vì nông dân đã áp dụng hoàn toàn phương pháp nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học từ khâu chế biến thức ăn đến việc tạo môi trường nước cho tôm sinh sống. Mặc dù chưa tạo được sự bứt phá về hiệu quả, nhưng bước đầu người nuôi đã kiểm soát được dịch bệnh và các vấn đề môi trường.

Người dân không dùng kháng sinh để nâng cao chất lượng tôm. Ảnh: Huỳnh Sử

Anh Nguyễn Minh Vương, một nông dân có kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi tôm ở xã Đức Minh, huyện Mộ Đức, cho biết anh nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học đến nay vụ thứ tư. Khi dùng men vi sinh thì vấn đề dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ hơn. Trong quá trình nuôi tuyệt đối nói không với kháng sinh, còn hóa chất chỉ sử dụng một lượng rất ít.

Những năm trước, cứ sau mỗi vụ nuôi người dân lại sử dụng hóa chất và kháng sinh để xử lý môi trường, khi tôm bị dịch bệnh thì dùng kháng sinh. Do đó nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm, dịch bệnh tràn lan. Từ khi bắt đầu áp dụng chế phẩm sinh học vào nuôi trồng đã cho kết quả khả quan, con tôm phát triển tốt, ít xảy ra dịch bệnh và cho thu nhập cao sau thu hoạch.

Ông Nguyễn Thành, xã Đức Chánh, chia sẻ: "Nông dân chúng tôi đã biết đến mô hình nuôi tôm sạch không kháng sinh từ vài năm nay qua sách, báo. Nhưng thực tế tại địa phương thì chỉ mới bắt đầu thực hiện từ khoảng cuối năm 2015. Ban đầu là một vài hộ thí điểm, khi thấy thành công thì bà con học hỏi, làm theo. Cách nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học đối với những người đã từng nuôi tôm không quá khó. Nuôi tôm đòi hỏi phải tỉ mỉ, cẩn thận trong tất cả các khâu xử lý môi trường, chọn giống, thức ăn... nên chỉ cần được hướng dẫn kỹ thuật là người nuôi đều làm được. Hơn nữa, khi thực hiện nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học đầu ra cho sản phẩm cũng dễ dàng hơn nên nông dân rất an tâm".

Việc áp dụng nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học ở huyện Mộ Đức đã góp phần cải thiện ô nhiễm môi trường nước, giảm chi phí đầu vào cho người nuôi tôm; chất lượng thương phẩm xuất ra thị trường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời đáp ứng các tiêu chí cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Ông Võ Anh Tuấn, kỹ thuật viên nuôi trồng, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sản xuất Thương mại và Dịch vụ Quảng Ngãi, cho biết: Khi nông dân cam kết nuôi tôm không sử dụng kháng sinh chỉ sử dụng chế phẩm sinh học thì phía công ty cũng cam kết thu mua sản phẩm cho bà con với giá tốt nhất. Bởi vì khi có sản phẩm sạch thì không chỉ thị trường trong nước mà cả thị trường nước ngoài cũng tiêu thụ dễ dàng hơn.

Phương pháp nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học đã góp phần giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nông dân, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản.
Đinh Thị Hương
Cuộc “tranh hùng” giữa con tôm và cây lúa ở Kiên Giang
Cuộc “tranh hùng” giữa con tôm và cây lúa ở Kiên Giang

Sau đợt hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt, nông dân huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang tập trung vào sản xuất vụ lúa hè thu, với quyết tâm nâng cao năng suất, sản lượng để bù đắp lại những thiệt hại do thiên tai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN