Nuôi tôm vẫn nhiều rủi ro

Những ngày này các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chuyển sang mùa mưa. Những cơn "mưa vàng" đã giúp người dân giảm bớt nỗi lo về hạn mặn gay gắt nhưng vẫn chưa giúp họ yên tâm với con tôm.

Điêu đứng vì tôm bị dịch bệnh

Cuối tháng 5, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu nặng hạt, bà con các tỉnh ĐBSCL lại tất bật làm ao, săn lùng con giống... để chuẩn bị cho mùa nuôi tôm mới. Nhưng năm nay, người nuôi dè dặt hơn vì từ đầu năm đến nay tình trạng tôm chết đã xảy ra ở nhiều nơi. “Vụ tôm vừa qua, gia đình tôi thả nuôi 800.000 con tôm thẻ chân trắng trên diện tích gần 2 ha nhưng chỉ được 70 ngày tôm đã bị nhiễm bệnh đốm trắng, đường ruột, gây thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Do lo sợ lại bị thua lỗ nên nhiều hộ nuôi tôm rất đắn đo khi mở rộng diện tích nuôi", anh Nguyễn Thành Vĩnh ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) chia sẻ.

Đầm vuông nuôi tôm của ông Nguyễn Văn Hai ở ấp 7 Biển, xã Nam Thái A, huyện An Biên (Kiên Giang) bị thiệt hại nặng do hạn mặn. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Theo số liệu khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 17/ 5, tại các tỉnh thành khu vực ĐBSCL đã có gần 82.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2015, tập trung chủ yếu ở các diện tích nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến... Nhiều tỉnh, thành trọng điểm về nuôi tôm như: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang... diện tích nuôi tôm thiệt hại chiếm tỷ lệ từ 15 - 20%, gây nhiều khó khăn cho nhà nông. Trong khi đó, bước sang tháng 6, các tỉnh Nam Bộ sẽ bước vào mùa mưa dầm nên việc nuôi tôm sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn hơn.

"Nguyên nhân dẫn đến tôm nuôi bị thiệt hại là do thời tiết hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra trên diện rộng trong một thời gian dài. Trong khi đó, chất lượng con giống cũng như thuốc trị bệnh cho tôm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Chúng ta thiếu các chế tài bắt người bán phải chịu trách nhiệm khi con giống chết hay bị bệnh", ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang cho hay.

Hướng đến nuôi bền vững

Theo đánh giá của tổ chức Oxfam Việt Nam, hiện sản xuất tôm là nguồn sinh kế quan trọng cho hơn 1 triệu người ở Việt Nam, trong đó hơn 80% là sản xuất quy mô nhỏ. Sự phát triển bùng nổ của ngành tôm do phụ thuộc chủ yếu vào hệ sinh thái nước mặn đã gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội làm cho sự liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị tôm bị phân mảnh, thiếu hiệu quả, thiếu công bằng và minh bạch. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng, khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm và làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng tôm Việt Nam trên thị trường thế giới...

Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng muốn nâng cao năng suất cho con tôm, giảm thiệt hại cho người nuôi từ nguy cơ dịch hại cần xây dựng liên kết chuỗi giữa nhà nông, doanh nghiệp... Nhà nông vẫn chưa thấy ích lợi khi tham gia vào chuỗi giá trị nên vẫn chưa mặn mà tham gia.

Các chuyên gia khuyến cáo, thời gian tới, dự báo thời tiết sẽ chuyển biến phức tạp, đặc biệt giao mùa khi mùa mưa bắt đầu. Vì vậy với những diện tích tôm đang phát triển, người nuôi tôm cần đặc biệt quan tâm chăm sóc tốt và có những giải pháp cụ thể phòng chống dịch bệnh cho tôm. Riêng nuôi mới, nhà nông cần chú ý chỉ thả giống khi đạt đủ điều kiện nuôi, nghiên cứu điều chỉnh quy trình nuôi phù hợp và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, các địa phương cần lập kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh, cũng như tăng cường quan trắc môi trường để đảm bảo kết quả quan trắc đầy đủ, kịp thời cảnh báo, giúp người nuôi hạn chế các rủi ro khi các yếu tố môi trường, độ mặn biến đổi lớn.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành nông nghiệp đang theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu và kịp thời thông báo, hướng dẫn người dân về các giải pháp kỹ thuật, tổ chức sản xuất. Riêng các địa phương có vùng nuôi lớn sẽ lập tổ công tác, bám địa bàn, hướng dẫn người nuôi tuân thủ quy trình kỹ thuật phù hợp để hạn chế thiệt hại trong điều kiện hạn, mặn.

Tổ chức Oxfam, Trung tâm Hợp tác Quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) vừa chính thức khởi động dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững - công bằng tại Việt Nam”. Thời gian triển khai trong vòng 4 năm (3/2016 - 2/2020) tại 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, bao gồm những vấn đề về thực hành sản xuất bền vững, mô hình hợp tác liên kết chuỗi thành công...


Lê Nghĩa
Đa dạng hóa tăng hiệu quả trong sản xuất lúa - tôm
Đa dạng hóa tăng hiệu quả trong sản xuất lúa - tôm

Từ khi Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất tôm - lúa” được tỉnh Cà Mau phê duyệt vào năm 2009, cùng với chủ trương đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trên cùng một diện tích, nền nông nghiệp của tỉnh đã tiến thêm bước dài trên con đường phát triển. Đáng chú ý, năng suất lúa và tôm nuôi tăng nhiều so với trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN