Hiệu quả lớn Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh, nhờ triển khai đề án trên, năng suất lúa bình quân từ 3,65 tấn/ha năm 2008, tăng lên 4,61 tấn/ha, tăng 26,6% hiện nay; năng suất tôm từ 356 kg/ha tăng lên 540 kg/ha, tăng 52%. Đặc biệt, tổng sản phẩm nông - ngư từ 7.830 tỷ đồng vào năm 2008 thì đến nay đã nâng lên 13.389 tỷ đồng...
Mô hình sản xuất lúa - tôm tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN |
Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Văn Sử cho biết: “Tổng vốn đầu tư cho đề án trong 6 năm qua 86,14 tỷ đồng, như vậy bình quân mỗi năm chỉ đầu tư khoảng 14 tỷ đồng, nhưng hiệu quả mang lại vô cùng to lớn. Đề án cũng đã góp phần đáng kể cải thiện năng lực và cơ sở vật chất cho nhân viên làm công tác khuyến nông, khuyến ngư cơ sở, nâng cao nhận thức của người trồng lúa và nuôi tôm”.
Cũng theo ông Lê Văn Sử, qua 6 năm triển khai, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu trong đề án đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Tuy năm vừa qua, sản xuất lúa và nuôi tôm đều gặp khó khăn do thời tiết bất lợi, song nhìn một cách tổng thể, kể từ triển khai đề án đã tạo ra những đột phá vượt bậc cho nền nông nghiệp của tỉnh. Hiệu quả mà đề án mang lại góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, phải kể đến thu nhập bình quân đầu người so với năm đầu tiên mới triển khai đề án đã tăng lên gần 73%, từ 925 USD/người/năm lên 1.500 USD/người/năm.
Mặt khác, thành công lớn nhất kể từ khi triển đề án đến nay chính là đã làm chuyển biến được ý thức và năng lực sản xuất của người dân. Hiện tại, không chỉ người dân biết áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất mà còn mạnh dạn đưa giống lúa mới, giống lúa chất lượng vào canh tác.
Thực hiện đề án không chỉ đưa năng suất sản phẩm lên một bước tiến mới mà còn tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, nâng cao giá trị hàng hóa tôm và lúa thương phẩm. Cùng với nuôi tôm, trồng lúa, nhiều mô hình đa cây, đa con bền vững cũng được nhân rộng ở các địa phương. Đặc biệt, với những ưu điểm vượt trội, ngày càng có nhiều hộ nông dân thực hiện mô hình sản xuất tôm - lúa, thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Với hơn 1 ha đất, gia đình ông Trần Văn Hào, huyện Thới Bình nhờ áp dụng mô hình trồng một vụ lúa, nuôi một vụ tôm sú và một vụ tôm càng xanh luân phiên đã thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Ông Trần Văn Hào cho biết: “Với cùng một diện tích, nhưng trước đó chỉ chuyên canh lúa khiến đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Kể từ khi áp dụng mô hình từ năm 2012 đến nay, đời sống gia đình khá lên hẳn. Năm vừa qua, dù thời tiết không thuận lợi khi nắng hạn quá lâu, dẫn đến thiếu nước rửa mặn, khiến vụ lúa bị thất thu, nhưng bù lại lợi nhuận thu về từ con tôm nên thu nhập xấp xỉ gần 70 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình cho biết, những năm gần đây, ngày càng nhiều nông dân của huyện thành công với mô hình này. Điển hình như mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất lúa được nuôi thí điểm từ năm 2010 với vài héc ta thì đến nay trong toàn huyện có gần 10.000 ha. Dự kiến trong năm 2016, con số này tăng lên 18.000 ha. Với 200.000 ha diện tích vùng ngọt hóa thì đây là điều kiện rất thuận lợi để nông dân các địa phương nhân rộng mô hình.
Hướng đi bền vững Thành công của các mô hình thí điểm ban đầu đã tạo được lòng tin và sự chuyển hướng làm ăn trong nhân dân, mở ra hướng đi bền vững cho ngành nông nghiệp Cà Mau. Các mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao, tôm sinh thái, tôm - lúa nhanh chóng được nhân rộng trong dân, cùng với các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.
Để tiếp tục khai thác tiềm năng kinh tế trên các lĩnh vực nông nghiệp, năm 2014, UBND tỉnh phê duyệt Đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Ông Sử cho biết, tỉnh sẽ tiến hành lồng ghép thực hiện hai đề án này trong tái cơ cấu nền nông nghiệp. Theo đó, một số giải pháp cơ bản và có tính chất quyết định là sẽ tăng cường công tác quản lý chất lượng tôm giống, xét nghiệm và cho kết quả nhanh bệnh dịch trên tôm.
Đồng thời, đầu tư nghiên cứu lai tạo ra các giống lúa có khả năng chịu mặn, chịu phèn tốt, kháng bệnh, năng suất và chất lượng tốt để tiến hành khảo nghiệm và nhân rộng.
Để mô hình luân canh tôm - lúa tiếp tục phát triển mạnh và bền vững, tỉnh sẽ quy hoạch hợp lý các vùng luân canh, để có các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp, nhất là hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 đặt ra là tỉnh tiếp tục duy trì ổn định diện tích luân canh tôm - lúa khoảng 45.000 ha, sản lượng lúa trên đất nuôi tôm đạt 200.000 tấn.
Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức lại sản xuất, xây dựng kinh tế tập thể đối với mô hình cánh đồng lớn, tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu sạch, lúa chất lượng cao. Do đó, tỉnh sẽ tăng cường hơn nữa công tác tập huấn kỹ thuật, nhất là quản lý môi trường nước và phòng trị bệnh, từng bước giúp nông dân sản xuất lúa - tôm theo tiêu chuẩn VietGAP để hướng đến xuất khẩu.