Guồng quay trở lại
Đặt chân đến Cảng Tổng hợp Thị Vải, một trong những bến cảng quan trọng thuộc cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu những ngày cuối tháng 6, nhịp độ làm việc khẩn trương và sự tấp nập trở lại của các chuyến tàu nơi đây đã phần nào cho chúng tôi cảm nhận rõ sức nóng của sự phục hồi.
Trao đổi cùng phóng viên TTXVN, ông Dương Thanh Khang, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Tổng hợp Thị Vải cho biết, kể từ đầu năm đến nay, lượng hàng hóa qua cảng và số lượng tàu cập cảng tăng mạnh từ 15-20% so với cùng kỳ năm trước.
"Nếu như trong thời gian cao điểm của dịch bệnh, chúng tôi chỉ đón được khoảng 20-25 tàu cập cảng mỗi tháng với 250-280 nghìn tấn hàng hóa, thì nay, con số này lên tới 30-32 tàu mỗi tháng, sản lượng đạt trên 300 nghìn tấn/tháng", ông Khang nói.
Lượng tàu cập cảng tăng mạnh, thời gian neo chờ để vào cảng bốc dỡ hàng hóa vì thế cũng kéo dài hơn so với trước, có thể từ 1 đến 2 ngày, thậm chí là phải chờ đến cả tuần, dù cảng đã tăng công suất bốc dỡ và thông ca liên tục 24/7.
Trong khi đó, tại Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng), hàng ngàn công nhân cũng đang tăng tốc để kịp các đơn hàng trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Thức, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong nhận thức rất sớm về tác động của đại dịch COVID-19 nên ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, công ty đã triển khai đồng bộ hàng loạt biện pháp phòng chống dịch giúp đảm bảo sản xuất liên tục, không bị dừng sản xuất. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc tiếp cận sớm được nguồn vaccine cho hơn 1.200 cán bộ công nhân viên và đạt độ phủ 2 mũi vaccine ngay từ cuối năm 2021, sang đến đầu năm 2022, tiếp tục tiêm phủ vaccine mũi 3 cho toàn bộ cán bộ nhân viên công ty.
Song song với đó, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cũng duy trì thực hiện quy tắc 5K trong phòng chống dịch, kiểm soát chặt chẽ việc ra vào công ty; tổ chức làm việc trực tuyến cho các khối văn phòng và chia ca sản xuất 50:50 đảm bảo trong tình huống xấu vẫn không gián đoạn sản xuất...
Nhờ đó, năm 2021 dù chịu nhiều khó khăn vì dịch bệnh nhưng công ty vẫn đạt kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu 4.877 tỷ đồng, tăng 11%; lợi nhuận trước thuế 521 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020; đảm bảo điều kiện đời sống cán bộ nhân viên và quyền lợi cổ đông.
Cập nhật đến hết quý I/2022, ông Nguyễn Văn Thức cho biết, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đạt kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu 1.062 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 150 tỷ đồng, tăng 5% và tin tưởng sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2022.
Không chỉ trong lĩnh vực vận tải, sản xuất, không khí khẩn trương cũng đã trở lại trên các công trường đầu tư xây dựng. Ghi nhận tại công trường Dự án tổ hợp thương mại - dịch vụ - căn hộ cao cấp Hoàng Huy Commerce (quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng), nhiều hạng mục công trình đang được gấp rút thực hiện để về đích đúng kế hoạch.
Theo ông Lê Sỹ Hùng, Giám đốc Ban quản lý dự án Hoàng Huy Commerce, thời gian đầu sau khi khởi công hồi tháng 5/2021, Hoàng Huy đã gặp rất nhiều khó khăn trong huy động nhân lực do ảnh hưởng của dịch bệnh và các biện pháp giãn cách để phòng chống dịch. Cùng với đó, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế đứt gãy đã khiến nguồn vật tư bị gián đoạn, hàng hóa khan hiếm, giá cả leo thang...
Những khó khăn trên không chỉ riêng Hoàng Huy mà rất nhiều doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt. Dù vậy, ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, công ty đã huy động nhân lực tăng ca, làm việc 24/24, đồng thời huy động tất cả các mối vật tư để ưu tiên cho dự án nhằm khắc phục khó khăn và đưa dự án về đích.
Qua đây, không khó để thấy sự phục hồi đang diễn ra mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào nội lực của doanh nghiệp thì vẫn chưa đủ!
Cần thêm bệ phóng
Số doanh nghiệp tăng nhanh trở lại trong 6 tháng qua là một trong những minh chứng rõ nét cho sự phục hồi của nền kinh tế. Riêng trong tháng 5/2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới theo số liệu của Tổng cục Thống kê là 13.370 doanh nghiệp, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021 và là con số cao nhất trong tháng 5 từ trước đến nay.
Trong bối cảnh này, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng Chính phủ đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng đặc biệt phải kể tới chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
"Mỗi chính sách đều có một sứ mệnh riêng để hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi. Nhưng riêng vốn cho doanh nghiệp trong thời điểm này là rất cần kíp. Bởi hiện nay các chi phí đều tăng mạnh như giá xăng dầu, giá vận chuyển... Mặt khác, để phục hồi nhanh chóng, doanh nghiệp còn cần đầu tư cho công nghệ quản lý, cho đổi mới sáng tạo, áp dụng chuyển đổi số mạnh mẽ. Vì thế, nếu tiếp cận được nguồn vốn rẻ, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được tối đa chi phí hoạt động và nâng khả năng sinh lời", ông Nam chia sẻ.
Liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2022 hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022. Việc hỗ trợ lãi suất áp dụng cho các kỳ trả nợ lãi từ ngày 20/5/2022 đến hết ngày 31/12/2023 nhằm giúp giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Nhiều ngân hàng đang cấp tốc đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất để trình lên Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và khẳng định sẽ không "vẽ" thêm bất cứ thủ tục nào cho khách hàng mà làm đúng theo quy trình cấp tín dụng gắn với đúng đối tượng được giảm lãi suất để hỗ trợ.
Mới đây nhất, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã được Ngân hàng Nhà nước duyệt hạn mức hỗ trợ lãi suất 2%/năm với quy mô dự kiến 2.500 tỷ đồng trong năm 2022 đối với các đối tượng được hỗ trợ lãi suất.
Theo ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank, thực tế từ đầu năm đến nay, Agribank đã giải ngân gần 100.000 tỷ đồng dành cho các đối tượng được thụ hưởng từ đợt hỗ trợ lãi suất lần này và theo kế hoạch đăng ký với Ngân hàng Nhà nước, Agribank dự kiến sẽ dành nguồn vốn khoảng 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất từ gói 40.000 tỷ đồng trong hai năm 2022 và 2023.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trong cuộc họp báo mới đây nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai tích cực các chính sách mới và có các cơ chế cụ thể để giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện của các ngân hàng.
Song song với "bệ phóng" về tài chính, ông Tô Hoài Nam còn kiến nghị: "Cần tạo nên một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu doanh nghiệp... Từ đó sẽ tạo lòng tin cho các doanh nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, sản xuất".
Còn về phía doanh nghiệp logistics, ông Dương Thanh Khang, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Tổng hợp Thị Vải lại đau đáu với vấn đề phát triển hạ tầng giao thông: "Khi nền kinh tế phục hồi kéo theo lượng hàng hóa vận chuyển tăng cao thì khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang đối mặt là giao thông đường bộ".
Theo ông Khang, Quốc lộ 51 (con đường huyết mạch nối Bà Rịa – Vũng Tàu với các tỉnh thành khác nằm trong tam giác phát triển kinh tế Tp. Hồ Chí Minh – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu) hiện rất chật hẹp, kẹt xe xảy ra thường xuyên. Do đó, ông mong muốn tuyến Quốc lộ 51 sớm được mở rộng, đồng thời cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sớm được thực hiện để khai thông lượng hàng hóa xếp dỡ tại cảng Phú Mỹ.
Bước sang giai đoạn phục hồi nhưng khó khăn chưa phải đã hết. Tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến khó lường, chuỗi cung ứng toàn cầu đang ảnh hưởng do căng thẳng giữa Nga-Ukraine kéo theo nhiều lệnh cấm vận từ phương Tây đối với Nga, tác động mạnh đến lĩnh vực năng lượng, khí đốt; tình hình kiểm soát COVID-19 tại Trung Quốc cũng tác động không nhỏ lên chuỗi cung ứng… Do đó, ngoài sự chủ động và nội lực vốn có, doanh nghiệp còn cần sự hỗ trợ mạnh tay hơn nữa từ Chính phủ và các bộ, ngành để giúp tạo đà bứt tốc trong giai đoạn mới.
Bài cuối: Lực cản tăng trưởng từ vòng xoáy suy giảm toàn cầu