Trước giờ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS) tại thủ phủ Ufa của nước CH Bashkortostan thuộc Liên bang Nga, các định chế tài chính đầu tiên của BRICS là Ngân hàng Phát triển mới và Quỹ Dự trữ ngoại tệ đã được thành lập với tổng trị giá 200 tỷ USD.Đại diện cấp cao các nước thành viên Nhóm BRICS. Ảnh: THX/TTXVN |
Tại Moskva, ngày 7/7, các Bộ trưởng Tài chính BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã triệu tập phiên họp Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển mới, động thái chính thức khởi động định chế có tổng vốn 100 tỷ USD này. Cựu Thống đốc Ngân hàng ICICI của Ấn Độ Kundapur Vaman Kamath được bầu làm chủ tịch Ngân hàng. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, người giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị trong một năm tới, tuyên bố từ nay đến cuối năm Ngân hàng có thể tài trợ cho các dự án đầu tiên.
Cũng tại Moskva, thống đốc các Ngân hàng trung ương của khối đã ký thỏa thuận thành lập Quỹ dự trữ ngoại tệ trị giá 100 tỷ USD. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực từ ngày 30/7. Các nước thành viên BRICS sẽ góp vào quỹ một khoản tiền dùng để bảo hiểm cho các tình huống khẩn cấp, cụ thể, Trung Quốc góp 41 tỷ USD, Nga, Ấn Độ và Brazil mỗi nước 18 tỷ, còn Nam Phi góp 5 tỷ.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) sẽ diễn ra trong ba ngày 8-10/7. Trong ngày 8/7 dự kiến sẽ có nhiều cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với lãnh đạo các nước BRICS. Các vấn đề chính sẽ được thảo luận trong ngày làm việc thứ hai bao gồm tình hình Ukraine, Hy Lạp và cuộc chiến chống nhóm "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Một loạt văn kiện sẽ được ký kết tại Hội nghị BRICS, trong đó có Tuyên bố chung và Kế hoạch hành động Ufa, Chiến lược đối tác kinh tế đến năm 2020 và nhiều văn kiện liên quan.
Hiện BRICS đang chiếm 28% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới. Nước giữ chức chủ tịch trong năm 2015 là Nga.
Cũng tại Ufa, Hội nghị SCO sẽ họp vào ngày 10/7, lãnh đạo các nước sẽ thông qua 14 tuyên bố, bổ nhiệm tổng thư ký mới là đại diện của Tajikistan, cũng như bổ nhiệm giám đốc Hội đồng chống khủng bố khu vực. Hội nghị cũng sẽ phê chuẩn chiến lược phát triển SCO đến năm 2025. Sự kiện được chờ đợi tại Hội nghị là quyết định kết nạp thêm Ấn Độ và Pakistan, nâng số thành viên lên 8 nước, 6 thành viên đầy đủ còn lại là Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Sau việc kết nạp trên, SCO còn 3 nước quan sát viên là Afghanistan, Iran và Mông Cổ. Ngoài ra Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ và Sri Lanka là các đối tác đối thoại.
Trong ngày 10/7 cũng sẽ diễn ra cuộc gặp không chính thức của lãnh đạo các nước thành viên BRICS, SCO và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU).