Đây là một trong những nội dung vừa được Bộ Xây dựng gửi tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn của Nhà nước; đồng thời để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của người dân trước mùa mưa bão năm 2022.
Cụ thể, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng các nhà chung cư cũ trên địa bàn và lập danh mục các nhà chung cư, khu chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại đưa vào kế hoạch thực hiện của địa phương, làm cơ sở để triển khai các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Bên cạnh đó, các địa phương cần khẩn trương tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại để nhà đầu tư có cơ sở tham gia xây dựng phương án đầu tư, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án.
Đồng thời, các địa phương cần ban hành hệ số K bồi thường tại những khu vực, vị trí có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại để người dân biết khi tham gia lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản làm chủ đầu tư dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư.
Cùng đó, việc ban hành các tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũng rất cần thiết để làm cơ sở cho nhà đầu tư căn cứ vào năng lực, kinh nghiệm triển khai dự án của mình để tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án.
Mặt khác, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương lập phương án, dự kiến các địa điểm để bố trí chỗ ở tạm thời phục vụ xây dựng lại trên địa bàn theo kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã được phê duyệt.
Ngoài việc tổ chức tập huấn, tuyên truyền rộng rãi đến các cấp, ngành và người dân đang sinh sống tại khu vực có nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại để tạo sự đồng thuận, tham gia rộng rãi của người dân, các địa phương cần tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP.
Bộ Xây dựng giao Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản chủ động đôn đốc, phối hợp với các địa phương trong việc thực hiện quy định tại Nghị định số 69/2021/NĐ-CP nhằm đẩy nhanh hoạt động cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Nghị định số 69/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/9/2021 và thay thế cho Nghị định số 101/2015/NĐ-CP nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Nghị định này sau khi Chính phủ ban hành đã được các địa phương cũng như người dân đang sinh sống trong nhiều nhà chung cư cũ trên cả nước đồng tình ủng hộ.
Vừa qua, nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.
Tiếp đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 11/2022/NQ-CP ngày 30/1/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15; trong đó có nội dung hỗ trợ đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thực hiện trong 2 năm (2022 và 2023).
Bộ Xây dựng nhận xét, hiện nay, tại một số địa phương có nhà chung cư cũ đã triển khai thực hiện một số bước theo quy định của Nghị định 69/2021/NĐ-CP như: bố trí ngân sách để thực hiện khảo sát, kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư cũ; ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư...
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều địa phương, đặc biệt là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh - nơi có nhiều nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại thì việc triển khai các quy định của Nghị định 69/2021/NĐ-CP vẫn còn chậm như: chưa tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại; chưa ban hành tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư; chưa ban hành hệ số K bồi thường để làm cơ sở lập phương án bồi thường...