Từ nhiều năm nay, mặc dù được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, nhân dân chờ đợi, ủng hộ... nhưng quá trình thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Nguyên nhân cơ bản là do các cơ chế, chính sách chưa hài hòa được lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước, xã hội. Bên cạnh đó, còn thiếu các quy định cụ thể về kiểm định, quy trình, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư và hệ số K…
Để đẩy nhanh tiến độ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Trưởng ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội yêu cầu các cơ quan chuyên môn của thành phố và cấp ủy, chính quyền địa phương cần tập trung kiểm định, đánh giá chất lượng và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ làm cơ sở triển khai quy trình tiếp theo.
Sở Xây dựng khẩn trương hoàn thiện, trình UBND thành phố Hà Nội xem xét, ban hành "Kế hoạch phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong thời gian thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021-2025".
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị các Phó trưởng ban chỉ đạo xem xét tạm cấp ngân sách thành phố cho các quận, huyện để thực hiện kiểm định chung cư cũ năm 2022; tổ chức lập danh mục cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ để kêu gọi nhà đầu tư tham gia; đề xuất về việc thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư; đề xuất hệ số K làm cơ sở xác định phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư phù hợp với từng dự án cụ thể.
Thành viên Ban chỉ đạo - Bí thư quận, huyện ủy, Chủ tịch UBND các quận, huyện nơi có nhà chung cư cũ có trách nhiệm lập danh sách và triển khai một số nhà chung cư cũ có điều kiện thuận lợi cho việc triển khai, có khả năng hoàn thành sớm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện…
Thời gian qua, tiến độ triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội còn chậm. Kết quả thực hiện đạt thấp do khó khăn, vướng mắc chủ quan và khách quan. Trên địa bàn toàn thành phố có 1.579 tòa chung cư cũ, quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối năm 1980, tập trung tại 4 quận nội thành (cũ); trong đó, quận Ba Đình có 214 chung cư, quận Đống Đa có 415 chung cư, quận Hai Bà Trưng có 244 chung cư, quận Hoàn Kiếm có 99 chung cư.
Qua rà soát, phân loại, hiện có 200 nhà nguy hiểm cấp C, 137 nhà cấp B và 7 nhà thuộc diện nguy hiểm cấp D. Tuy nhiên, từ năm 2007 đến nay, mới có 19 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng (chiếm 1,2% tổng số nhà chung cư cũ); 13 dự án triển khai theo quy định của Luật Nhà ở, Nghị định 101/2015/NĐ-CP.