Theo báo cáo của ban điều hành dự án (Ban Quản lý dự án Thăng Long), trên toàn dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 đang triển khai 90 mũi thi công tại 5 gói thầu. Giá trị sản lượng thực hiện đến nay đạt hơn 6.096 tỷ đồng, tương đương 83,9% giá trị xây lắp theo hợp đồng.
Bộ Giao thông vận tải đánh giá, khối lượng thi công còn lại của dự án gồm móng, mặt đường, hệ thống an toàn giao thông... là những hạng mục rất quan trọng đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ thuật, mỹ thuật và chất lượng. Do đó, Ban Quản lý dự án Thăng Long phải tăng cường việc quản lý chất lượng, chỉ đạo tư vấn giám sát thường xuyên có mặt hiện trường, giám sát chặt chẽ chất lượng công trình; kịp thời chấn chỉnh tư vấn giám sát trong công tác quản lý chất lượng công trình.
Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu nhà thầu Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) tập trung nguồn lực tài chính triển khai thi công cuốn chiếu các lớp móng đường, thảm bê tông nhựa ngay khi có công địa, thi công cuốn chiếu các hạng mục an toàn giao thông, lắp dựng biển báo trên đoạn từ đầu gói thầu đến nút giao Đông Xuân; hoàn thành toàn bộ nút giao Đông Xuân trước ngày 31/3/2023 và hoàn thiện các hạng mục còn lại trước ngày 30/4/2023.
Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ rõ gói thầu 14-XL tiến độ thi công hiện chưa đáp ứng được yêu cầu dù Bộ đã nhiều lần có văn bản đôn đốc. Nguyên nhân khiến tiến độ triển khai gói thầu này chưa đạt, là do năng lực tài chính của nhà thầu thi công phần nền đường đoạn tuyến từ sau nút giao Đông Xuân đến cuối gói thầu là Công ty cổ phần Tập đoàn Miền Trung còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc tập kết vật liệu.
Do đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long khẩn trương hoàn thiện thủ tục điều chuyển khối lượng còn lại của Tập đoàn Miền Trung cho Vinaconex trực tiếp thi công. Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh, khối lượng công việc còn lại của gói thầu 14-XL là rất lớn nên phải khẩn trương thi công hoàn thành khối lượng đắp nền đường còn lại, đẩy nhanh thi công nền móng, mặt đường các đoạn tuyến đắp nền thông thường và các đoạn xử lý nền đất yếu đã dỡ tải.
Riêng các đoạn tuyến đang gia tải từ sau nút giao Đông Xuân đến cuối gói thầu, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu nhà thầu phối hợp với tư vấn thường xuyên tiến hành quan trắc, cập nhật đánh giá số liệu lún cố kết, tính toán quyết định thời điểm dỡ tải để kịp thời triển khai thi công cuốn chiếu các lớp móng, mặt đường đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra những chỉ đạo cụ thể tới từng nhà thầu của từng gói thầu. Theo đó, với gói thầu 13-XL, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long chỉ đạo Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh tiếp tục triển khai thi công 3 ca, 4 kíp, hoàn thành thi công khối lượng thảm bê tông nhựa còn lại trong tháng 3/2023. Đồng thời, nhà thầu cũng phải tiến hành tập kết vật tư, cấu kiện của hệ thống an toàn giao thông, biển báo, tiến hành lắp đặt ngay khi có công địa; triển khai thi công hệ thống đường gom.
Đối với gói thầu 12-XL, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả khẩn trương hoàn thiện hầm Thung Thi, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, cơ điện; hoàn thành các hạng mục còn lại thuộc phạm vi nút giao Quốc lộ 217 trong tháng 3/2023. Nhà thầu Đèo Cả cũng cần xem xét bố trí thêm 1 dây chuyền thảm bê tông nhựa; thi công hoàn thiện cầu Hà Lĩnh 1, Hà Lĩnh 2 trong tháng 3/2023.
Đối với gói thầu 11-XL, Công ty TNHH Định An khẩn trương triển khai thi công hoàn thiện các vị trí gia cố mái taluy dương và cầu vượt ngang Km 300 +400, hoàn thành toàn bộ các hạng mục trước ngày 30/4/2023. Đối với gói thầu 10-XL, Ban Quản lý dự án Thăng Long đôn đốc nhà thầu khẩn trương thi công, trước ngày 31/3/2023 phải hoàn thành các hạng mục còn lại, gồm: hệ thống an toàn giao thông và giải phân cách; nút giao Đồng Giao; hệ thống đường gom.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh, hiện nay có tình trạng một số đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công cùng lúc triển khai đồng loạt nhiều hợp đồng tại các công trình trọng điểm. Do đó, Ban Quản lý dự án Thăng Long cần giám sát chặt chẽ nhân sự, máy móc thiết bị và nguồn tài chính của các nhà thầu đang thực hiện tại dự án, không để tư vấn giám sát, nhà thầu điều chuyển nhân sự, máy móc thiết bị đã được yêu cầu huy động cho gói thầu, dự án ra khỏi công trường khi không có chấp thuận của chủ đầu tư.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ Giao thông vận tải có văn bản chỉ đạo đôn đốc tiến độ thi công cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45. Trước đó, vào đầu tháng 12/2022, trong văn bản gửi Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ Giao thông Vận tải điểm mặt nhiều nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ tại dự án này, đồng thời đề nghị điều chuyển khối lượng đối với những nhà thầu này. Điển hình có nhà thầu Tổng công ty Đầu tư xây dựng Hoàng Long tại gói thầu 12-XL và Tập đoàn xây dựng Miền Trung tại gói thầu 14-XL.
Ngoài ra, các nhà thầu chính và nhà thầu đứng đầu liên danh phải chịu trách nhiệm về tiến độ thực hiện của toàn bộ gói thầu; lãnh đạo các nhà thầu phải có mặt thường xuyên tại hiện trường để kịp thời xử lý những vấn đề liên quan đến tài chính, điều hành tại hiện trường và xử lý các nội dung phát sinh, đặc biệt là đối với các nhà thầu có nguồn lực tài chính yếu, thiếu thiết bị, nhân lực.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 có tổng chiều dài 63,37km (đi qua tỉnh Ninh Bình 14,35km; qua tỉnh Thanh Hóa 49,02km). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước. Dự án được khởi công từ tháng 9/2020, thông xe kỹ thuật vào tháng 12/2022.
Tuy nhiên, các phương tiện chưa được phép lưu thông trên tuyến cao tốc này. Bộ Giao thông Vận tải, chấp thuận chủ trương cho Ban Quản lý dự án Thăng Long kéo dài thời gian thực hiện dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Theo đó, mục tiêu mới Bộ Giao thông vận tải đặt ra là thông xe trước ngày 30/4/2023 và hoàn thành toàn dự án trước 30/6/2023.