Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết, trong Chương trình của Chính phủ năm 2021, Bộ Công Thương được giao xây dựng, trình 8 nghị định; trong đó, có 3 nghị định thuộc Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2021 của Bộ Công Thương và 4 nghị định ngoài chương trình này.
Đến nay, Bộ Công Thương đã trình Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử; có 2 nghị định do Cục Hóa chất chủ trì xây dựng. Đối với các văn bản còn lại, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo để đảm bảo trình Chính phủ theo đúng tiến độ được giao.
Đặc biệt, việc rà soát các luật, nghị định, thông tư do Bộ Công Thương chủ trì để đề xuất sửa đổi, ban hành văn bản mới thay thế và rà soát nhận diện đầy đủ các tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước tác động mạnh mẽ, dài hạn của dịch COVID-19 đã được Bộ đẩy mạnh.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã rà soát các quy định của pháp luật trong lĩnh vực dầu khí và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để phục vụ cho việc xây dựng luật về hai lĩnh vực này.
Đồng thời, Bộ đã có đề xuất lộ trình hoàn thiện pháp luật giai đoạn 2021-2025 đối với các lĩnh vực: thương mại, dầu khí, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, điện lực, hóa chất, công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ, phòng vệ thương mại, thương mại điện tử; quản lý, phát triển cụm công nghiệp; quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa…
Theo Vụ Pháp chế, trong các tháng cuối năm 2021, một trong các nhóm nhiệm vụ ưu tiên thực hiện đó là: tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội.
Vì vậy, Vụ Pháp chế sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025 và Quyết định số 1371/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa các quy định và cắt giảm chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Cùng với đó, Vụ Pháp chế kiểm soát chặt việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cơ sở các quy định pháp luật. Đồng thời, ngăn chặn phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Tuy nhiên, để các hoạt động hoàn thiện thể chế ngày càng hiệu quả, thực chất, đi vào chiều sâu, Vụ Pháp chế đã đề nghị các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ đẩy mạnh các hoạt động tương tác giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân và doanh nghiệp; tiếp nhận kịp thời những phản hồi của người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực thi chính sách.
Từ đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải thiện hoạt động quản lý nhà nước trong ngành trên tinh thần phục vụ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.