Bình ổn giá nhờ kết nối doanh nghiệp

Sau hơn 10 năm thực hiện, Chương trình bình ổn giá đã tạo được cơ chế tự điều tiết của thị trường. Từ chỗ Nhà nước tập hợp doanh nghiệp để bình ổn thị trường vào những thời điểm giá cả dễ biến động bất thường như dịp cuối năm, nhưng có lúc thành phố buộc phải dùng vốn ngân sách làm công cụ điều tiết thị trường. Tuy nhiên hiện nay, việc điều tiết thị trường đã được thực hiện qua cơ chế cung - cầu.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng trao Bằng khen của UBND thành phố cho các doanh nghiệp có nhiều đóng góp tích cực trong chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN


Sử dụng vốn xã hội hóa

Điều dễ dàng nhận thấy ở thời điểm hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh, nguồn hàng cung ứng cho dịp Tết hết sức dồi dào, mạng lưới phân phối rộng khắp, hầu như không có hiện tượng tăng giá do khan hiếm hàng hóa. Thành phố đã phát huy được vai trò trung gian trong kết nối các doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối, các tổ chức tín dụng với nhau để thực hiện bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát.

Theo sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng năm 2014, đã có 76 doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường, trong đó 68 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (37 doanh nghiệp lương thực thực phẩm, 15 doanh nghiệp mùa khai giảng, 4 doanh nghiệp sữa, 12 doanh nghiệp dược phẩm) và 8 tổ chức tín dụng thực hiện chương trình bình ổn các mặt hàng sữa, lương thực - thực phẩm, đồ dùng mùa khai trường, với tổng số vốn cam kết trên 8.300 tỉ đồng. Trong đó18 DN đã được giải ngân  trên 763 tỷ đồng.

Lãnh đạo sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là năm thứ 2, thành phố không sử dụng vốn Nhà nước làm công cụ bình ổn thị trường. Thay vào đó, hệ thống các ngân hàng và tổ chức tín dụng cam kết cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn vay vốn với lãi suất phù hợp, trong đó lãi ngắn hạn là từ 4,9 - 6%/năm, vay trung và dài hạn từ 7 - 8%/năm. Thông qua sự kết nối này, các doanh nghiệp tham gia chương trình đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, tạo nguồn hàng, phát triển điểm bán, bảo đảm cung cầu thị trường. Chương trình thực sự là cầu nối trực tiếp đưa hàng Việt đến người tiêu dùng. Các doanh nghiệp ngày càng có nhiều kinh nghiệm trong việc dự trữ nguồn hàng, là cơ sở để các doanh nghiệp chủ lực của thành phố tăng số lượng, chất lượng sản phẩm hàng hóa, ổn định giá cả, giúp người tiêu dùng tin tưởng vào sản phẩm Việt.

Tăng cường kết nối

Trao đổi về những giải pháp đẩy mạnh chương trình bình ổn thị trường, ông Lê Văn Khoa, GĐ sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong thời gian tới cần phải tập trung bình ổn thị trường từ sản xuất, đẩy mạnh tổ chức kết nối cung cầu, ổn định thị trường giữa các doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp phân phối tại thành phố và cả với những địa phương khác. Thành phố cũng cần hoàn thiện hệ thống phân phối, thông qua việc hình thành hệ thống chuyên doanh theo ngành hàng, kinh doanh tổng hợp, phát triển theo địa bàn, kết hợp nhiều phương thức kinh doanh từ trung tâm thương mại hiện đại có quy mô lớn, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các loại chợ đầu mối, chợ bán buôn bán lẻ… Trong đó, đặc biệt chú trọng hệ thống kinh doanh thực phẩm nhằm giảm bớt chi phí trung gian từ nơi sản xuất đến tận tay người tiêu dùng, qua đó giảm áp lực lạm phát ở thị trường trong nước.

Mặc dù chương trình kết nối doanh nghiệp và ngân hàng được xem như một chương trình riêng, nằm ngoài chương trình bình ổn giá, tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng cường kết nối doanh nghiệp và ngân hàng sẽ tác động trực tiếp đến việc bình ổn giá và có thể xem đó là một trong những giải pháp căn cơ có tính dài hạn nhằm ổn định sản xuất, ổn định thị trường và tạo hiệu ứng tốt đối với tăng trưởng tín dụng. Việc kết nối thành công giữa doanh nghiệp và ngân hàng là một trong những giải pháp căn cơ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, tăng cường bình ổn thị trường năm 2015 và những năm kế tiếp.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank) Nguyễn Minh Tâm cho rằng, thành phố cần mở rộng và nâng cao chất lượng kết nối. Với thực tế 3 năm liên tiếp tham gia Chương trình Kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, đặc biệt là chương trình Bình ổn thị trường cho thấy, thông qua chương trình kết nối ngân hàng đã duy trì thường xuyên hoạt động gắn kết với tiểu thương, xây dựng gói ưu đãi với tiểu thương hộ kinh doanh, cơ sở hàng cung ứng dịp Tết Nguyên đán… Chính điều đó đã giúp Sacombank được ghi danh trong Bảng vàng thành tích kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2014.

Nhận định về chủ trương kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc kết nối ngân hàng với doanh nghiệp thông qua hình thức ký kết vay vốn trực tiếp đã tạo được hiệu ứng lan tỏa rất lớn trong cộng đồng các ngân hàng và doanh nghiệp. Điều này thể hiện qua số lượng các ngân hàng, lượng vốn tín dụng tham gia ký kết tăng dần lên sau mỗi đợt ký kết. Việc kết nối này giúp đưa nguồn vốn rẻ đến với các hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh và cả tiểu thương ở các chợ. Qua đó góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với hệ thống ngân hàng của thành phố.    


Lê Hiền

Thủ tướng chỉ thị bình ổn giá cả dịp Tết Ất Mùi
Thủ tướng chỉ thị bình ổn giá cả dịp Tết Ất Mùi

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN