Ngoài việc hướng dẫn cách vệ sinh chuồng trại (đảm bảo điều kiện an toàn sinh học, nền chuồng cao ráo, thoát nước tốt...), Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng khuyến cáo người chăn nuôi khi nhập lợn về cần biết nguồn gốc rõ ràng, không nhiễm bệnh và phải được lấy mẫu xét nghiệm âm tính với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Người chăn nuôi không nên tái đàn ồ ạt, mất kiểm soát, dễ làm phát sinh dịch bệnh mà cần từng bước tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng đàn lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi thì mới tái đàn 100% tổng số lượng có thể nuôi tại cơ sở.
Bên cạnh đó, các hộ và cơ sở chăn nuôi nên sử dụng nước máy hoặc nước sông đã qua xử lý để cho gia súc ăn uống, vệ sinh chuồng trại.
Tính đến thời điểm này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre đã thẩm định 9 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại ở huyện Mỏ Cày Nam, Ba Tri và Thành phố Bến Tre đủ điều kiện tái đàn gần 3.000 con.
Hiện giá lợn con trên địa bàn tỉnh đang ở mức cao, từ 135.000 - 138.000 đồng/kg, tăng từ 55.000- 58.000 đồng/kg so với thời điểm trước khi có dịch tả lợn châu Phi.
Tính đến ngày 10/2, toàn tỉnh có 84 xã có dịch đã qua 30 ngày kể từ khi tiêu hủy con bệnh cuối cùng; 64 xã thuộc 9 huyện, thành phố đã công bố hết dịch. Riêng 4 huyện Thạnh Phú, Giồng Trôm, Chợ Lách, Bình Đại đã hoàn tất công bố hết dịch ở các xã.
Từ khi xảy ra dịch tả châu Phi đến nay, Bến Tre đã tiêu hủy gần 43.000 con lợn của gần 1.200 hộ chăn nuôi.