Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chia sẻ, ngành tài chính tiếp tục giải “bài toán khó” là triển khai chính sách tài khóa mở rộng hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Theo đó, Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và trình các cấp có thẩm quyền tiếp tục các giải pháp thực hiện chính sách miễn, giãn, giảm thuế, phí. Năm 2024, cơ quan quản lý khẩn trương tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng như đã áp dụng năm 2023 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% vừa được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, ước tính giảm khoảng 24.000 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã áp dụng của năm 2023.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá: Các chính sách miễn giảm thuế, phí đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của các doanh nghiệp và người dân.
Theo TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các chính sách gia hạn, giảm thuế đã hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về dòng tiền do tạm thời chưa phải nộp thuế. Cùng đó, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các chính sách thuế đi vào cuộc sống đã góp phần làm giảm chi phí cho doanh nghiệp, giúp giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước; trong đó người dân được hưởng lợi.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng khẳng định khi nói về các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp là “không hứa suông và đã nói là làm”, nhất là trong bối cảnh nguồn thu bị suy giảm nhưng vẫn phải bảo đảm nhu cầu chi, đặc biệt là chi về an sinh xã hội, chi cho phòng chống dịch bệnh...
Bộ Tài chính luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài.
“Không phải vì lo ngại ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước mà không thực hiện các chính sách thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp là những quyết sách dài hơi, bởi vì đổi lại, nhờ ưu đãi về thuế, doanh nghiệp có thêm vốn để đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế vĩ mô tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói
Nhờ đó, những tháng đầu năm Bộ Tài chính đã đạt được các mục tiêu về tài chính - ngân sách nhà nước. Theo đó, nợ công, nợ chính phủ được kiểm soát thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra, thu ngân sách đảm bảo cho các nhu cầu chi tiêu của Chính phủ, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Hết quý I/2024, thu ngân sách nhà nước ước đạt 539,5 nghìn tỷ đồng, bằng 31,7% dự toán, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng xác định, nhiệm vụ thu ngân sách trong thời gian tới không hề dễ dàng bởi dự toán thu ngân sách năm 2024 rất lớn với 1.700,9 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với dự toán và ước thực hiện năm 2023. Trong khi đó, kinh tế thế giới chưa khởi sắc, thị trường trong nước khó khăn, nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô hoặc ngừng hoạt động.
Thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác nhằm giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Ngoài ra, Bộ cũng tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thu ngân sách theo hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế, mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; quyết liệt quản lý thuế, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, thu hồi nợ thuế đúng, đủ, theo kịp yêu cầu phát sinh từ thực tiễn trong nền kinh tế số, giao dịch xuyên biên giới….
Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng tiếp tục theo sát diễn biến tình hình kinh tế - xã hội; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chính sách về thu ngân sách. Từ đó, có các giải pháp về chính sách thuế phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Trong năm 2024, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính. Ngoài ra, cơ cấu lại chi đầu tư công; tập trung nguồn lực bố trí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách các công trình trọng điểm quốc gia… phấn đấu giải ngân đầu tư công cao hơn năm trước, hạn chế tối đa tình trạng chuyển nguồn.
Đồng thời, đổi mới quản lý chi thường xuyên, tăng cường phân cấp, trao quyền tự chủ, khuyến khích sử dụng nguồn lực phù hợp với nhiệm vụ đặc thù của các bộ, ngành, địa phương; bố trí đủ nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024…
Chuyên gia kinh tế Vũ Sỹ Cường cũng cho rằng, năm 2024, chính sách tài khóa cần các giải pháp điều chỉnh tổng cầu của nền kinh tế, tiếp tục các chính sách tài khóa nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, thực hiện cải cách tiền lương, lương tăng sẽ kích tiêu dùng, góp phần tăng tổng cầu, xem xét tiếp tục giảm một số loại thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp, để kích cầu.