Đồng thời, tỉnh tạo thuận lợi, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi; qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các cam kết trong các Hiệp định FTA đẩy mạnh xuất khẩu.
Địa phương tiếp tục thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030; quan tâm trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm bắt kịp thời thông tin, khai thác và tận dụng những ưu đãi mà hiệp định thương mại tự do đã ký kết mang lại để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu cũng như mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác phù hợp.
Trong năm 2024, hoạt động xúc tiến đầu tư được tỉnh chú trọng đổi mới gắn với hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ mời gọi doanh nghiệp đầu tư, nhất là vận dụng tốt cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, khuyến khích xây dựng và kết nối các vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm.
Đồng thời, địa phương tập trung thông tin cho doanh nghiệp, hợp tác xã về các hội thảo, diễn đàn, hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế tổ chức trong năm 2024; thông tin, quy định mới về thị trường do Bộ Công Thương cung cấp. Sở cũng sẽ tổ chức các buổi hội thảo, các lớp tập huấn về hội nhập quốc tế về kinh tế đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Qua Sở Công Thương Tiền Giang làm đầu mối, các doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu sẽ được kịp thời cung cấp thông tin cập nhật liên quan thị trường xuất khẩu nhằm kết nối cung – cầu xuất khẩu. Mặt khác, đơn vị tích cực giúp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, nhất là đối với những ngành hàng chủ lực có lợi thế cạnh tranh.
Sở Công Thương Tiền Giang còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả điều hành thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang phối hợp chặt chẽ cùng ngành chức năng khẩn trương xúc tiến các thủ tục cần thiết xuất khẩu nông sản hàng hóa chủ lực có thế mạnh như lập hồ sơ để được cấp mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch trái cây sang thị trường Trung Quốc cũng như một số nước khác.
Thông qua các hoạt động này nhằm khơi thông điểm “nghẽn” trong xuất khẩu trái cây chính ngạch, đưa những thương hiệu trái cây nồi tiếng của địa phương như: bưởi da xanh, thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc đến với thị trường các nước, thu hút ngoại tệ tiếp tục đầu tư phát triển.
Đồng thời, tỉnh quan tâm nắm bắt tình hình xuất khẩu tại các cửa khẩu như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… và cập nhật kịp thời những diễn biến nóng để thông tin đến doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu.
Nhờ xuất khẩu thuận lợi, nhiều mặt hàng trái cây đặc sản địa phương như: thanh long, sầu riêng… tăng giá mạnh, nông dân các vùng chuyên canh tại Tiền Giang hưởng lợi lớn, bà con rất phấn khởi.
Tại vùng chuyên canh thanh long Chợ Gạo, thương lái thu mua thanh long xuất khẩu giá bình quân từ 35.000 đ/kg đến 40.000 đ/kg, tăng gần gấp đôi năm trước.
Sầu riêng là mặt hàng nông sản chủ lực của Tiền Giang đang giữ đà tăng giá kỷ lục. Theo Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) Huỳnh Tấn Lộc chia sẻ, trong những ngày qua, thương lái thu mua sầu riêng giống Mong Thong dao động từ 200.000 - 230.000 đồng/kg còn sầu riêng giống Ri6 cũng có giá từ 130.000 - 145.000 đồng/kg, tùy theo loại, tăng khoảng 30.000 đồng so với đầu tháng 3/2024 và là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Với giá này, mỗi ha sầu riêng thu hoạch vào thời điểm hiện nay, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi ròng không dưới 1,5 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cho biết, nhờ chủ động tháo gỡ khó khăn, tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ sản xuất trong nước và xuất khẩu, Tiền Giang tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu ngay từ các tháng đầu năm mới.
Theo đó, trong quý 1/2024, toàn tỉnh đạt kim ngạch xuất khẩu 1,35 tỷ USD, tăng 19,76% so cùng kỳ năm trước và đạt gần 27% so với kế hoạch cả năm 2024.
Đáng chú ý, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có thế mạnh của tỉnh: thủy sản chế biến, rau quả, nông sản hàng hóa, sản phẩm công nghiệp… đều có mức tăng khá. Cụ thể, về thủy sản chế biến, toàn tỉnh xuất được trên 29.000 tấn, kim ngạch 67 triệu USD, tăng 72,38% về lượng và tăng 43,46% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; rau quả xuất khẩu được 7.100 tấn, kim ngạch 13,41 triệu USD, tăng 59,69% về lượng và tăng 62,11% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Đây là tiền đề thuận lợi để năm 2024, Tiền Giang phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD, tăng 7,8% so năm 2023.