Bất chấp cảnh báo, người nuôi tôm Đồng Tháp Mười vẫn tăng diện tích

Nhiều năm nay, tỉnh Long An đã yêu cầu người dân thuộc vùng Đồng Tháp Mười như Mộc Hóa, Kiến Tường, Tân Hưng… không được đào ao nuôi tôm trên nền đất lúa. Thế nhưng, người dân vẫn không ngừng phát triển diện tích nuôi, làm ảnh hưởng môi trường, phá vỡ quy hoạch vùng trồng lúa nơi đây.

Chú thích ảnh
Ao nuôi tôm sú vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An. 

Lợi nhuận cao, bỏ qua khuyến cáo

Đi dọc theo đoạn đường Quốc lộ 62 thuộc địa bàn xã Tân Lập (huyện Mộc Hóa, Long An) hoặc theo đường tỉnh Kênh 79, người đi đường sẽ thấy cánh đồng lúa trước đây nay được thay vào là những ao nuôi tôm sú với guồng máy cánh quạt tạo oxy hòa tan, không ngừng quay. Điều này cho thấy, việc nuôi tôm sú ở vùng nước ngọt đang phổ biến.

Gần đây, người nuôi tôm sú có thu nhập rất cao. Mỗi năm nuôi tôm, người dân có thu nhập cao hơn so với hơn 10 năm trồng lúa. Ông Nguyễn Văn Bình, ấp 2, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa cho biết, ông làm nghề thầu xây dựng gần 10 năm nhưng không khấm khá. Sau đó, thấy một người dân cùng ấp nuôi tôm trúng lớn, ông liền đào ao nuôi tôm sú trên đất lúa không hiệu quả của gia đình. Qua 4 năm nuôi, ông Bình đã có trong tay vài tỷ đồng và còn tạo công ăn việc làm cho 3 lao động tại địa phương.

Hiện ông Bình có 3 ao nuôi và 3 ao lắng nước, mỗi ao nuôi có diện tích 1.500 m2 và ao lắng 1.000 m2. Với ao nuôi, ông Bình tính công máy Kobe đào, thuê đất, trang bị máy cánh quạt... với chi phí 800 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn đầu tư khoảng 500 triệu đồng cho việc thả con tôm và chi phí thức ăn.

Mỗi năm, ông Bình nuôi từ 2-3 vụ/ao. Sau khi thu hoạch, tôm đạt năng suất 5 tấn/ao, với giá hiện nay 160.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông Bình lãi 70.000 đồng/kg. Như vậy với 3 ao, mỗi năm ông Bình thu lợi nhuận từ 2-3 tỷ đồng.

Để vụ nuôi tôm thành công, ngoài con giống tốt còn phải xử lý nước đúng yêu cầu. Mỗi ao nuôi tôm sử dụng vùng nước mặn khác nhau. Nguồn nước nuôi tôm sau khi lấy từ giếng khoan được đưa vào ao lắng để xử lý khuẩn, cặn và cuối cùng cấp qua ao nuôi - ông Bình chia sẻ.

Ông Phan Văn Luận, cùng ngụ ấp 2, xã Tân Lập cho biết, trước đây, ông trồng lúa trên diện tích 1 ha nhưng lợi nhuận không cao nên chuyển sang nuôi tôm và mỗi năm thu về hơn 3 tỷ đồng từ nuôi tôm sú.

Khi được hỏi về động xấu đến vùng lúa sau này của những ao nuôi tôm sú, cả ông Bình và ông Luận đều khẳng định không biết nhưng thấy lợi trước mắt họ vẫn đầu tư nuôi. Trường hợp không nuôi được, những ao này có thể nuôi cá thiên nhiên và bờ ao trồng cây ăn quả vẫn bình thường.

Người nuôi tôm nơi đây cũng đề nghị chính quyền địa nên tạo điều kiện cho họ chuyển đổi vật nuôi; đồng thời, hỗ trợ hạ thế điện để việc nuôi tôm thuận lợi hơn.

Xử lý diện tích nuôi tôm mới phát sinh

Ông Lê Văn Tùng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mộc Hóa cho biết, trên địa bàn hiện có trên 170 ha diện tích nuôi tôm sú. Diện tích nuôi chủ yếu tập trung ở xã Tân Lập và Tân Thành. Thời gian qua, huyện Mộc Hóa không ngừng tuyên truyền, vận động người dân dừng nuôi tôm.

Tuy nhiên, lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng lúa nên người dân liên tục tăng diện tích nuôi. Huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền cho người không phát sinh diện tích mới để tránh tác động xấu đến vùng lúa sau này.

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, tổng diện tích nuôi tôm sú tại khu vực Đồng Tháp Mười theo thống kê đến nay có khoảng 350 ha, tăng hơn 120 ha so với năm 2021; trong đó, diện tích nhiều nhất vẫn là huyện Mộc Hóa, Tân Hưng, Tân Thạnh và Kiến Tường.

Qua điều tra đánh giá, trên 70% người dân đảm bảo về quy trình kỹ thuật. Cụ thể, khảo sát khoảng 208 hộ trong năm 2022 thì có 68% người nuôi đã đảm bảo về quy trình, hướng dẫn kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong điều kiện khoanh vùng để ngành theo dõi tác động chất lượng về môi trường nước.

Hiện, ngành nông nghiệp còn e ngại cách xử lý ao tôm vì nước theo hệ thống tuần hoàn, không xả thải ra bên ngoài do việc xử lý ban đầu chi phí khá cao. Vì vậy, trường hợp nuôi 2-3 vụ tôm, nếu người nuôi không xử lý tốt sẽ phát sinh dịch bệnh. Khi xảy ra dịch bệnh, người nuôi xả nước trực tiếp ra bên ngoài dẫn đến ảnh hưởng môi trường xung quanh.

Cũng theo bà Khanh, năm 2021, trước việc chuyển đổi ồ ạt từ đất lúa sang nuôi tôm, Sở cùng các ban, ngành đã đề xuất UBND tỉnh khoanh vùng, đánh giá theo dõi tình hình nuôi tôm tác động đến môi trường nước. Thực tế, có những ao nuôi khi thu hoạch có độ mặn không cao. Qua 2 năm theo dõi quan sát cho thấy, nước xả thải nuôi tôm ra môi trường bên ngoài có một phần ảnh hưởng. Song, để xác định rõ nguyên nhân ngành tiếp tục theo dõi và lấy mẫu giám sát.

Đến thời điểm hiện tại, quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh Long An là không có chủ trương cho người dân chuyển đổi nuôi tôm trên khu vực Đồng Tháp Mười vì nơi đây là hệ sinh thái nước ngọt. Tuy nhiên, nông dân sản xuất lúa không hiệu quả, trong khi một số mô hình chuyển đổi lại có thu nhập cao nên họ khát khao có cuộc sống đổi đời. Mặc dù địa phương đã tăng cường tuyên truyền, người dân cũng biết chuyển đổi là vi phạm pháp luật nhưng vẫn tiếp diễn.

Trước tình trạng trên, ngành nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương không để phát sinh diện tích nuôi mới. Trường hợp có những hộ dân nuôi mới phát sinh, UBND Long An giao cho các địa phương xử lý và phải kiên quyết ngay từ đầu, tức là vừa xử lý vi phạm hành chính vừa phải trả lại hiện trạng ban đầu.

Đối với ngành chuyên môn, UBND các huyện vùng Đồng Tháp Mười, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý theo thẩm quyền về việc chấp hành quy định của pháp luật trong sử dụng đất để nuôi tôm thẻ, khoan giếng để lấy nước mặn và bảo vệ môi trường; tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về sử dụng đất để nuôi trồng thủy sản tại Luật Đất đai, Luật Thủy sản và văn bản hướng dẫn cũng như quy hoạch của địa phương; đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo người dân những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài của việc nuôi tôm thẻ trong vùng nước ngọt, không để phát triển thêm diện tích nuôi mới.

Bài và ảnh: Thanh Bình (TTXVN)
Phát triển mô hình nuôi tôm ứng phó với biến đổi khí hậu
Phát triển mô hình nuôi tôm ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngành nông nghiệp tỉnh tỉnh Trà Vinh tiếp tục khuyến khích nông dân ở các huyện vùng ven biển Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú, thị xã Duyên Hải, phát triển mô hình sản xuất rừng – tôm, lúa – tôm để thích ứng biến đổi khí hậu và đảm bảo tính hiệu quả bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN