Dự Hội thảo có ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng; ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản; lãnh đạo các Sở, ngành; lãnh đạo các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi tôm tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, ngành thuỷ sản, trong đó có tôm nước lợ đóng vai trò và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Sóc Trăng. Trong năm 2023, Sóc Trăng thả nuôi tôm nước lợ đạt diện tích hơn 53.500 ha; trong đó, nuôi tôm thẻ chân trắng hơn 40.000 ha và tôm sú là hơn 13.400 ha, đạt sản lượng hơn 206.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 905 triệu USD, chiếm hơn 95,6% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh.
Đạt được kết quả khả quan như vậy, nhưng ngành tôm cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tình trạng biến đổi khí hậu, dịch bệnh đã tác động nhiều tiêu cực đến lĩnh vực nuôi tôm của tỉnh. Bên cạnh đó, chất lượng tôm giống cũng là một vấn đề đang đặt ra và phải được quan tâm, có chiến lược trong giải pháp và phát triển.
Để đảm bảo vụ nuôi thắng lợi, ngay từ đầu vụ nuôi năm nay, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tổ chức khảo sát ở các địa phương, các trang trại nuôi, người nuôi, tất cả những ý kiến người nuôi tôm, người quản lý ở cơ sở đều đặt trọng tâm vào chất lượng con giống, làm sao góp phần cho vụ nuôi 2024 thắng lợi. Các doanh nghiệp nói chung cho rằng, hiện nay muốn chọn giống thả cho các trang trại nuôi rất khó, nhất là trong kiểm tra chất lượng giống, đạt yêu cầu cho thả nuôi.
Với diện tích nuôi hàng năm của tỉnh Sóc Trăng, nhu cầu tôm giống phục vụ người nuôi tôm tại địa phương ước hơn 20,6 tỷ con. Qua rà soát, thống kê, tỉnh Sóc Trăng có 73 cơ sở giống; trong đó, có 58 cơ sở giống tôm nước lợ còn đang hoạt động, có 3 công ty hoạt động dưới hình thức sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản, 55 cơ sở còn lại hoạt động dưới hình thức thuần dưỡng, hạ độ mặn và hoạt động dưới hình thức làm điểm giao dịch. Công suất ương dưỡng giống tôm nước lợ trong năm ngoái là 1 tỷ con post (con giống), chỉ đạp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu và phần lớn nguồn giống vẫn nhập từ ngoài tỉnh.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Sóc Trăng Quách Thị Thanh Bình, vụ nuôi năm 2023, tỷ lệ thiệt hại được khống chế ở mức dưới 4,7% là thành công lớn, gây thiệt hại tôm tập trung ở các bệnh đốm trắng, gan tụy và vi bào tử trùng, bệnh phân trắng. Tình hình xảy ra dịch bệnh trong vụ nuôi cho thấy cần có giải pháp kiểm tra chất lượng tôm bố mẹ và các vật tư phục vụ nuôi dưỡng tôm bố mẹ…
Chi cục Thủy sản tỉnh cũng đã có chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với cảnh sát giao thông, các đơn vị có liên quan để tiến hành tuần tra, kiểm soát lưu thông giống trên địa bàn của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng cần phải tiếp tục kết nối giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp cung ứng để có mối quan hệ, dễ dàng kiểm soát tốt hơn nguồn vật tư, con giống, thức ăn, thuốc cho tôm...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong lĩnh vực tôm giống và đề xuất các giải pháp để có nguồn giống tôm chất lượng cao nhất phục vụ người nuôi ngay từ đầu vụ. Nhiều ý kiến đã tập trung vào việc quản lý tôm giống nuôi nước lợ; thức ăn cho tôm nuôi; tình hình dịch bệnh trên con tôm giống nuôi nước lợ; kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống khi lưu thông trên thị trường; lưu ý lựa chọn công ty nuôi tôm có uy tín; quy trình sản xuất con giống tại cơ sở giống; công nghệ nuôi tôm của một số nước trên thế giới…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng mong muốn Cục Thủy sản hỗ trợ Sóc Trăng nhiều hơn nữa trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát nguồn tôm giống và đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường hơn nữa các giải pháp hỗ trợ cho các hộ dân và doanh nghiệp trong nuôi trồng thuỷ, hải sản; tăng cường mở các lớp tập huấn, hướng dẫn cho các hộ dân về nuôi trồng thủy sản, cách chọn giống, mật độ thả giống, kỹ thuật chăm sóc tôm nuôi, việc sử dụng hoá chất trong nuôi trồng, bảo quản thủy, hải sản.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị các đơn vị liên quan thường xuyên hướng dẫn và tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống việc chấp hành quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh và chất lượng giống thủy sản; kiểm tra, giám sát về chất lượng giống thủy sản. Đối với Hiệp hội Tôm của tỉnh cần thực hiện tốt việc liên kết, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong nuôi tôm; đại diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên…
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng ghi nhận những ý kiến của ngành chức năng, các tổ chức, đơn vị và người nuôi tôm đóng góp những ý kiến, kiến nghị đến Cục Thủy sản tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến đề nghị cơ quan cấp trên sớm ban hành các Nghị định sửa đổi Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, ngày 16/5/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Có ý kiến tái cấu trúc nguồn vốn vay ngân hàng để hỗ trợ cho nghề nuôi tôm nước lợ; ban hành chính sách hỗ trợ tín dụng cho người nuôi tôm tại địa phương…