Xử lý vi phạm xây dựng bể nuôi tôm trái phép tại Thanh Hóa

Sau khi Thông tấn xã Việt Nam thông tin về việc nhiều bể nuôi tôm trái phép trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo, làm rõ sự việc, trường hợp có sai phạm xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, báo cáo chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện.

Chú thích ảnh
Một bể nuôi tôm trái phép tại Phố Đông Hải, phường hải Hòa, thị xã Nghi Sơn. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo, UBND thị xã Nghi Sơn tuyên truyền, vận động các hộ tự tháo công trình vi phạm, trả lại hiện trạng, kiên quyết xử lý dứt điểm trường hợp vi phạm. Tại phường Hải Hòa đã phá dỡ 5 bể, còn lại 6 bể nuôi tôm. Phường Ninh Hải còn 6 hộ nuôi tôm, hiện các hộ dân có bể nuôi tôm trái phép đã được ký cam kết tự tháo dỡ trước ngày 28/2, đối với các xã, phường còn lại cũng cam kết tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định.

UBND thị xã Nghi Sơn cũng giao đội kiểm tra quy tắc xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các xã, phường, các phòng ban chuyên môn thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng trái phép trên địa bàn thị xã theo quy định.

Chú thích ảnh
Một bể nuôi tôm trái phép tại Phố Đông Hải, phường hải Hòa, thị xã Nghi Sơn đã bị tháo dỡ. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Trước đó, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, thị xã Nghi Sơn có 14 trường hợp nuôi tôm trái phép trên đất rừng và đất trồng cây lâu năm. Mặc dù chính quyền địa phương đã có những giải pháp xử lý nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm tình trạng này, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến môi trường trên địa bàn. Dù không phải là vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản ở khu vực bờ biển thuộc tổ dân phố Đông Hải, phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn, không khó để nhận thấy hàng chục ao nuôi tôm được lót bạt và che chắn tạm bợ trên diện tích đất ở, đất nông nghiệp của người dân.

Bên cạnh đó, trên địa bàn thị xã còn 28 trường hợp là các doanh nghiệp, công ty được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án khu dịch vụ chế biến hải sản, dịch vụ thương mại… nhưng đã sử dụng đất không đúng mục đích, tổ chức nuôi tôm trái phép. Chính quyền và các lực lượng chức năng đã kiên quyết vào cuộc tháo dỡ 3 trường hợp, còn lại 25 trường hợp vẫn đang tiếp tục nuôi trái phép.

Nguyễn Nam - Khiếu Tư (TTXVN)
Ngăn chặn xâm lấn rừng trái phép dịp Tết Nguyên đán
Ngăn chặn xâm lấn rừng trái phép dịp Tết Nguyên đán

Trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 được đánh giá là thời điểm có nguy cơ xảy ra các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Do đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Khê - một trong những đơn vị quản lý, bảo vệ diện tích rừng lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh đã tăng cường lực lượng, triển khai nhiều giải pháp giữ rừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN