Một số địa phương có tỷ lệ bàn giao mặt bằng tương đối cao, gồm: Hà Tĩnh (dự án thành phần Vũng Áng - Bùng) đạt 98%; Hậu Giang (dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau) đều đạt trên 92%; Cà Mau (dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau) đạt 90%.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho hay, dù tỷ lệ mặt bằng được bàn giao khá cao, song, chiều dài mặt bằng nhà thầu có thể tổ chức triển khai vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Trong tổng số 600 km mặt bằng được bàn giao, hiện nay, nhà thầu mới chỉ tổ chức thi công được trên khoảng 508 km, đạt hơn 70%.
Điển hình, tại dự án thành phần Vạn Ninh - Cam Lộ qua tỉnh Quảng Bình, mặt bằng bàn giao được hơn 23 km nhưng chiều dài có thể tổ chức thi công chỉ khoảng 17 km.
Tại dự án đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi, mặt bằng đã bàn giao đạt gần 51 km, chiều dài tổ chức thi công mới đạt gần 39 km.
Qua địa phận tỉnh Phú Yên, chiều dài tổ chức thi công dự án đoạn Chí Thạnh - Vân Phong đạt hơn 26 km trên tổng số gần 37 km được bàn giao; Đoạn Vân Phong - Nha Trang cũng mới tổ chức thi công được khoảng 34 km trên tổng chiều dài mặt bằng dài hơn 43 km được bàn giao.
Theo đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng, để đáp ứng tiến độ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án trong quý II/2023 theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng, các cơ quan đơn vị khẩn trương triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đối với các khu vực đã bàn giao mặt bằng nhưng còn vướng mắc chưa thể thi công, tăng cường lực lượng để đẩy nhanh tiến độ chi trả, đền bù; tập trung giải quyết các khiếu nại của người dân về giá đền bù; xem xét bố trí tạm cư cho các hộ dân khi chưa hoàn thành khu tái định cư; thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng đến thi công; ưu tiên giải phóng mặt bằng đường tiếp cận, đường công vụ, các vị trí xen kẹp, "xôi đỗ"... để các nhà thầu có mặt bằng, đủ công địa thi công theo đúng kế hoạch.
"Tại các vị trí chưa bàn giao mặt bằng, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị các địa phương cần ưu tiên thực hiện giải phóng mặt bằng đối với các vị trí có đường công vụ, đường tiếp cận công trường, các vị trí đào đất, phá đá để sử dụng làm vật liệu đắp nền đường, phạm vi xử lý nền đất yếu, vị trí thi công cầu, hầm.
Đồng thời, đẩy nhanh công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư để tổ chức tái định cư cho người dân. Trong khi chưa hoàn thành đề nghị nghiên cứu phương án bố trí tạm cư để các hộ dân sớm bàn giao mặt bằng cho dự án", đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 có tổng chiều dài 729 km, đi qua 12 tỉnh, thành phố gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị dài 267 km; Quảng Ngãi - Nha Trang dài 353 km; Cần Thơ - Cà Mau dài 109 km, có tổng mức đầu tư hơn 146.990 tỷ đồng. 12 dự án thành phần được khởi công ngày 1/1/2023 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.