Nghiên cứu bổ sung các kịch bản đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Mới đây, Hội đồng thẩm định Nhà nước có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi khổ 1.435mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ thiết kế khoảng 200-250 km/h, tốc độ khai thác khoảng 200 km/h.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: TTXVN

Về hướng tuyến, số lượng nhà ga và vị trí nhà ga, Hội đồng thẩm định Nhà nước khẳng định đây là yếu tố quan trọng nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả cũng như phát huy vai trò của dự án. Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định Nhà nước đã xin ý kiến của 20 tỉnh, thành về hướng tuyến, số lượng nhà ga và vị trí nhà ga theo đề xuất của tư vấn thẩm tra.

Kết quả, tất cả 20 tỉnh, thành đồng thuận với phương án số lượng nhà ga. Tuy nhiên, chỉ có 8 tỉnh, thành đồng thuận với phương án hướng tuyến và vị trí nhà ga, 12 tỉnh chưa đồng thuận.

Vì vậy, Hội đồng thẩm định Nhà nước đề nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp tư vấn thẩm tra, tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án làm việc cụ thể với 12 tỉnh này để rà soát, nghiên cứu và thống nhất hướng tuyến, vị trí nhà ga với phương án tối ưu nhất, đảm bảo phù hợp, khả thi, hiệu quả cũng như phát huy vai trò của dự án.

Về nguồn vốn, Bộ Giao thông vận tải được đề nghị nghiên cứu phương án đề xuất của tư vấn thẩm tra để hoàn thiện phương án huy động vốn cho dự án, đảm bảo khả thi. Đồng thời, bổ sung nội dung nghiên cứu mô hình thực hiện dự án theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Trong đó, Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo trì và bảo dưỡng kết cấu hạ tầng. Tư nhân đầu tư phương tiện vận tải và nhà ga cao tầng. Sau đó, tư nhân thành lập bộ máy vận hành khai thác và trả phí khấu hao cơ sở hạ tầng đã đầu tư (dự kiến thời gian hoàn vốn 75 năm) và trả phí bảo dưỡng hạ tầng cho nhà nước. Mô hình triển khai dự án theo hình thức chìa khóa trao tay.

Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định Nhà nước cũng lưu ý, đây là dự án có vốn đầu tư lớn để triển khai được cần phải có cơ chế đặc biệt báo cáo Chính phủ để xem xét trình Quốc hội. Vì vậy, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu kết quả thẩm tra của tư vấn thẩm tra và xây dựng cơ chế đặc biệt của dự án.

Về tiến độ thực hiện dự án, hoàn thiện phương án phân kỳ đầu tư hợp lý, đảm bảo tính khả thi, hoàn thành dự án trước năm 2045.

Triển khai yêu cầu trên, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy vừa họp với các đơn vị trực thuộc và tư vấn dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Theo thông báo kết luận vừa được Văn phòng Bộ Giao thông vận tải ban hành, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy khẳng định, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có quy mô lớn, công nghệ - kỹ thuật phức tạp, cần nhiều nguồn lực lớn để đầu tư, là động lực quan trọng để tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội cả nước và được Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện, kỹ lưỡng.

Ban Quản lý dự án Đường sắt, tư vấn và các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, tham khảo kinh nghiệm quốc tế; cập nhật, bổ sung nghiên cứu hoàn thiện Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Trên cơ sở các kịch bản đầu tư đã nghiên cứu, kịch bản theo ý kiến chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Chính phủ, các đơn vị nghiên cứu bổ sung các nội dung: Đối với kịch bản đường sắt mới chỉ vận tải hành khách, bổ sung đường sắt hiện hữu cải tạo, nâng cấp, điện khí hóa phù hợp với lộ trình cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu để vận tải hàng hóa (COP26); bổ sung phương án xây dựng mới đường sắt trên trục Bắc - Nam theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa để vận tải hành khách và hàng hóa làm cơ sở để so sánh, lựa chọn.

Về hướng tuyến, cơ bản giữ nguyên hướng tuyến đã thống nhất với các địa phương trước đây. Đối với một số địa phương có ý kiến điều chỉnh, Thứ trưởng yêu cầu Ban Quản lý dự án Đường sắt, tư vấn triển khai ngay công tác rà soát và làm việc để thống nhất với các địa phương. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, làm việc với các địa phương về phạm vi, vị trí bổ sung các ga hàng hóa đối với kịch bản vận tải chung hành khách và hàng hóa.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án Đường sắt, tư vấn rà soát nhiệm vụ - dự toán hoàn thiện Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi dự án; trong đó, nếu cần thiết đề xuất một số chuyên gia nước ngoài có chuyên môn sâu về công nghệ - kỹ thuật (thông tin, tín hiệu, phương tiện, khai thác vận tải...) tham gia dự án để bảo đảm tiến độ, chất lượng lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải cập nhật, bổ sung số liệu, kết quả dự báo nhu cầu vận tải cho các kịch bản đầu tư đường sắt trên trục Bắc - Nam gồm: Khai thác khách; khai thác hỗn hợp khách, hàng hóa. Cục Đường sắt Việt Nam, Ban Quản lý dự án đường sắt và tư vấn phối hợp xây dựng, cung cấp thông tin chi tiết các kịch bản.

Theo dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ Giao thông vận tải đề xuất đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chỉ chở khách, có tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ. Tổng mức đầu tư dự án ước khoảng 58,71 tỷ USD; trong đó, vốn nhà nước chiếm 80%, vốn tư nhân khoảng 20% tổng mức đầu tư. Đường sắt hiện hữu cải tạo để chở hàng.

Trong khi đó, tư vấn thẩm tra dự án đề xuất, tốc độ thiết kế tối đa tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là 250 km/h để vừa chở khách và vừa chở hàng. Đường sắt hiện hữu được nâng cấp để chở khách liên vùng và tàu hàng container…

Quang Toàn (TTXVN)
Hoàn thành toàn bộ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045
Hoàn thành toàn bộ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045

Tại Kết luận số 49-KL/TW, Bộ Chính trị đặt mục tiêu phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045, nước ta là nước phát triển có thu nhập cao. Theo đó, vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang vận tải chính Đông - Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN