Đây là một trong những nội dung cuộc phỏng vấn giữa phóng viên TTXVN và ông Moermahadi Soerja Djanegara bên lề Cuộc họp Ban Điều hành lần thứ 52, thuộc Đại hội Tổ chức các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14) diễn ra ngày 18/9, tại Hà Nội.
Ông đánh giá thế nào về công tác tổ chức Đại hội ASOSAI lần thứ 14 của nước chủ nhà Việt Nam?
Tôi đánh giá rất cao công tác tổ chức Đại hội ASOSAI 14 cũng như lòng hiếu khách của nước chủ nhà Việt Nam. Do đó tôi hi vọng các hoạt động của Đại hội sẽ diễn ra suôn sẻ và thuận lợi.
Kiểm toán Nhà nước Việt Nam sẽ đóng vai trò Chủ tịch ASOSAI trong nhiệm kỳ 2018-2021. Là một thành viên của ASOSAI, Uỷ ban Kiểm toán Nhà nước Indonesia có nhận xét gì về vai trò của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong thời gian tới?
Đầu tiên, chúng tôi xin chúc mừng việc Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trở thành Chủ tịch ASOSAI trong nhiệm kỳ 2018-2021. Cơ quan Kiểm toán tối cao Indonesia cùng với các thành viên khác trong ASOSAI sẽ hết lòng ủng hộ Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong vai trò mới này.
Sau 21 năm trở thành thành viên ASOSAI với nhiều đóng góp tích cực thì việc Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trở thành Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021 là sự ghi nhận của các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) thành viên trong ASOSAI cũng như cộng đồng quốc tế về những nỗ lực và đóng góp của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam. So với năm 2010 khi tôi đến Việt Nam để tham dự kỳ họp thứ 42 của Ban Điều hành ASOSAI thì vị thế và vai trò của SAI hiện nay đã có những bước tiến rất tích cực.
Khi đảm nhận cương vị Chủ tịch ASOSAI, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển năng lực của các SAI thành viên không chỉ là ASEANSAI mà còn cả ASOSAI.
ASOSAI đã có một kế hoạch hành động chiến lược và chúng tôi hy vọng khi Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trở thành Chủ tịch ASOSAI thì kế hoạch này sẽ được thực hiện hiệu quả và thu được nhiều thành công.
Xin ông cho biết nhận định về chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” của Đại hội ASOSAI lần thứ 14 trong bối cảnh môi trường được coi là có vai trò then chốt trong sự phát triển của các quốc gia ở châu Á cũng như trên thế giới?
Tôi cho rằng bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững có ý nghĩa quan trọng vì đây là một nội dung trong chương trình nghị sự của Liên Hợp quốc về phát triển bền vững đến năm 2030.
Như các bạn đã biết, Cơ quan Kiểm toán Tối cao Indonesia là một trong những quốc gia có rất nhiều kinh nghiệm về kiểm toán môi trường. Cơ quan Kiểm toán Tối cao Indonesia cũng là chủ tịch của một nhóm công tác về kiểm toán môi trường của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) nên trong khuôn khổ của chương trình này chúng tôi chắc chắn sẽ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cũng như các nghiên cứu chung về hoạt động kiểm toán môi trường của INTOSAI cũng như các thành viên INTOSAI.
Còn đối với ASOSAI, chúng tôi cũng là thành viên của nhóm công tác nghiên cứu về kiểm toán môi trường của tổ chức này nên với việc Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trở thành Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, chúng tôi hy vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho hai nhóm công tác trên.
Theo quan điểm của ông, các SAI sẽ cần phải chú trọng những vấn đề gì trong hoạt động kiểm toán môi trường?
Chúng tôi cho rằng một số vấn đề rất quan trọng trong kiểm toán môi trường các SAI thành viên của ASOSAI bao gồm việc quản lý tài nguyên nước, quản lý rác thải, quản lý tài nguyên rừng, phòng chống tình trạng ô nhiễm không khí và chuẩn bị hoàn thiện các mục tiêu của chương trình phát triển bền vững của Liên Hợp quốc.
Xin cảm ơn ông!