Với việc trở thành Chủ tịch Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14, nhiệm kỳ 2018 -2021 cho thấy sự ghi nhận của bạn bè quốc tế dành cho Kiểm toán Nhà nước Việt Nam.
Trước thềm Đại hội ASOSAI lần thứ 14 do Việt Nam đăng cai tổ chức, Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức Đại hội về những đóng góp của Kiểm toán Nhà nước đối với nền kinh tế của quốc gia những năm qua.
Là một cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, xin Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá về hoạt động của Kiểm toán sau hơn 24 năm thành lập?
Từ một cơ quan trực thuộc Chính phủ và dần trở thành một cơ quan do Quốc hội bầu và tuân thủ theo pháp luật chỉ thực hiện vấn đề tài sản công, qua thực tiễn hoạt động, Kiểm toán Nhà nước ngày càng khẳng định địa vị pháp lý hết sức quan trọng của mình đã được hiến định tại Hiến pháp từ năm 2013.
Chặng đường hơn 2 thập kỷ hình thành và phát triển của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam luôn gắn liền với sự nghiệp đổi mới và hội nhập, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua.
Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn năm 2010 đã xác định: Phát triển Kiểm toán Nhà nước trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công quan trọng, có uy tín và trách nhiệm, thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Một trong những nhiệm vụ cần thiết và ưu tiên là phải tăng cường phát triển các mối quan hệ hợp tác song phương, đa phương sẵn có, mang tính truyền thống với các thành viên của Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) và Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) nhằm tăng cường năng lực, nâng cao vị thế của Kiểm toán Nhà nước trong khu vực và thế giới. Đồng thời, Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 cũng đã đặt mục tiêu đăng cai Đại hội ASOSAI giai đoạn 2015-2020.
Hoạt động của Kiểm toán trong những năm vừa qua đã đóng góp tích cực vào công việc thẩm tra quyết toán ngân sách hàng năm. Kiểm toán Nhà nước đã đi sâu giải quyết được những vấn đề đặt ra trong tình hình mới khi thực hiện việc kiểm toán theo các chuyên đề, lĩnh vực có yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý của nhà nước như vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản, lĩnh vực chi tiêu liên quan đến những hoạt động tài chính....
Đặc biệt, việc kiểm soát của Kiểm toán đã góp phần tăng thu cho ngân sách và giảm được các khoản chi tiêu bất hợp lý. Những số liệu được Kiểm toán Nhà nước công bố trong năm vừa qua tăng lên đã góp phần vào việc đưa hoạt động quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công đi vào nền nếp, ngày một công khai minh bạch và có hiệu quả hơn; làm căn cứ giúp cho Quốc hội có thể đưa ra được những quyết định đúng đắn về những chính sách về tài khóa, tiền tệ cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng đóng góp rất nhiều vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là trong lĩnh vực tài chính và ngân sách.
Có thể nói, sau 24 năm trưởng thành và phát triển, Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước, kiểm soát tốt tài chính, tài sản công; đưa kỷ luật tài chính đi vào nền nếp, chống được lãng phí tiêu cực tham nhũng.
Xin Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kiểm toán Nhà nước có những đóng góp tích cực gì vào sự phát triển nền tài chính của quốc gia? Việc Kiểm toán Nhà nước đăng cai Đại hội ASOSAI có phải là ghi nhận của bạn bè quốc tế đối với những thành công của Kiểm toán Nhà nước trong thời gian qua không, thưa Phó Chủ tịch?
Có thể khẳng định, hoạt động đối ngoại của nhà nước Việt Nam mang tính chất tăng cường hội nhập quốc tế và thể hiện được vai trò vị thế của đất nước trong sự phát triển đi lên. Trong quá trình đó, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã có những đóng góp hết sức tích cực vào hoạt động của ngành kiểm toán trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, đặc biệt là cộng đồng ASOSAI.
Trong những năm qua, cùng với quá trình đổi mới toàn diện, Việt Nam đã đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, tích cực đóng góp vào các cơ chế đa phương. Là thành viên có trách nhiệm của các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu, Việt Nam đã đăng cai nhiều sự kiện quốc tế lớn như: Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á năm 2010, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU 132 năm 2015, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26), Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN-2018)… Thành công của những sự kiện này không chỉ khẳng định tầm quan trọng của một diễn đàn đa phương, một cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu mà còn thể hiện vai trò, vị thế mới của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Hoạt động đối ngoại của Kiểm toán Nhà nước vừa góp phần vào viêc nâng cao vị thế đối ngoại của Việt Nam nhưng đồng thời cũng là tạo điều kiện cho Kiểm toán Nhà nước Việt Nam học tập kinh nghiệm kiểm toán của các nước trên thế giới.
Chính vì vậy, việc đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI tại Việt Nam cho thấy Kiểm toán Nhà nước Việt Nam được cộng đồng ASOSAI đánh giá rất cao, góp phần nâng cao vị thế hoạt động đối ngoại của nhà nước Việt Nam trong đó có hoạt động của Quốc hội.
Môi trường là vấn đề đang được quan tâm trong thời gia qua, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá thế nào về chủ đề của ASOSAI 14 "Kiểm toán môi trường vì sư phát triển bền vững"?
Vấn đề môi trường đang là trở ngại rất lớn cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu trên thế giới, kèm theo đó là sự phát triển rất mạnh của các nền kinh tế đã nảy sinh những vấn đề liên quan như ô nhiễm, rác thải, tài nguyên thiên nhiên...
Nếu không giải quyết được tốt vấn đề môi trường thì sự phát triển của các nước sẽ gặp nhiều khó khăn mà trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, việc lựa chọn chủ đề về môi trường tại Đại hội lần này là một sự lựa chọn đúng đắn, góp phần cho sự phát triển bền vững và tạo ra tiền đề vững chắc hơn trong tương lai.
Việc đăng cai tổ chức Đại hội các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần này có ý nghĩa gì đối với Việt Nam, thưa Phó Chủ tịch Quốc hội?
Đây sự kiện chính trị - ngoại giao, hợp tác nghề nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng, minh chứng sinh động cho sự trưởng thành và phát triển của cơ quan Kiểm toán Nhà nước Việt Nam còn khá non trẻ trong phạm vi khu vực và thế giới, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Đây cũng là cơ hội cho Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tiếp thu, vận dụng các kiến thức, chuẩn mực, kinh nghiệm quốc tế tiên tiến, nguồn lực từ tổ chức ASOSAI nói chung cũng như các thành viên ASOSAI nói riêng để nâng cao năng lực, tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI 14, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam sẽ trở thành Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và là thành viên Ban Điều hành ASOSAI trong suốt giai đoạn 2015-2024. Đây sẽ là cơ hội để Kiểm toán Nhà nước Việt Nam khẳng định vị trí và vai trò của mình đối với các SAI thành viên và các tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới; đồng thời, tạo được sự tin cậy của các SAI thành viên và các tổ chức quốc tế đối với năng lực tổ chức các sự kiện mang tầm cỡ quốc tế, từ đó nâng uy tín, hình ảnh, tầm ảnh hưởng và vị thế của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế.
Đại hội ASOSAI 14 còn là cơ hội để Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tiếp tục đổi mới, hoàn thiện về mọi mặt, tạo động lực cho đội ngũ kiểm toán viên rèn luyện, tăng cường năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp trong môi trường quốc tế.
Đại hội được kỳ vọng sẽ đóng góp cho cộng đồng khu vực và thế giới những văn kiện quan trọng bao gồm các chính sách, giải pháp và công cụ hữu hiệu để giải quyết những vấn đề theo các chủ đề chuyên môn lĩnh vực kiểm toán công được lựa chọn.
Đặc biệt, trong bối cảnh địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã được hiến định theo thông lệ quốc tế, Đại hội là điểm nhấn quan trọng, có tác động lan tỏa trong công chúng đối với việc nâng cao vài trò của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam - thiết chế giám sát độc lập, góp phần vào việc nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công và xây dựng nền tài chính quốc gia minh bạch, vững mạnh.
Đại hội còn là dịp để giới thiệu về hình ảnh đất nước Việt Nam phát triển, đổi mới, năng động, thân thiện. Các đại biểu đến từ nhiều quốc gia sẽ có cơ hội khám phá và tìm hiểu về đất nước, con người và nền văn hóa, cũng như những thành tựu phát triển của đất nước Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội!