Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2018 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Tổ chức tài chính quốc tế và Hội đồng Quản trị Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức sáng 4/12 tại Hà Nội, vấn đề khung pháp lý, chính sách về quyền sở hữu trí tuệ và vấn đề an ninh mạng thu hút mối quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đây là một trong những thách thức của toàn cầu. Tất cả các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam đều phải đối mặt với nhu cầu cấp thiết về sự cân bằng giữa an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo mật dữ liệu và thông tin cá nhân; phá triển kinh tế xã hội thông qua nền tảng kỹ thuật số; trong đó, yếu tố thứ 3 được thúc đẩy bởi khả năng chuyển tải dữ liệu xuyên biên giới và hệ thống Internet rộng mở, phát triển như hiện nay.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đang vận dụng tối đa các cải tiến của công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh và thương mại xuyên biên giới. Nhiều công ty đang sử dụng điện toán đám mây, mạng xã hội, thanh toán trực tuyến và các công nghệ thông minh để vận hành doanh nghiệp. Những công nghệ này được cung cấp bởi các nhà cung cấp nước ngoài mà hầu hết đều không có cơ sở hay chi nhánh tại Việt Nam. Để làm được điều này, các doanh nghiệp nói trên đều cần có khả năng chuyển tải dữ liệu xuyên quốc gia.
Chính vì lẽ đó, theo các chuyên gia kinh tế và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tham gia thảo luận tại diễn đàn VBF, Luật An ninh mạng được ban hành vào tháng 6 vừa qua, có ảnh hưởng nhất định đến sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh trong tương lai của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo hướng công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Chủ tịch Denis Brunetti cho biết, EuroCham ghi nhận vai trò quan trọng của công nghệ thông tin và đổi mới công nghệ đã và đang góp phần thúc đẩy hành trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong 25 năm qua kể từ sự khởi đầu của truyền thông di động. Khả năng tiếp cận thông tin di dộng trên toàn quốc và Internet thông qua mạng băng thông di động đã góp phần vào sự tăng trưởng toàn diện.
Theo đó, tất cả mọi người, cho dù sống ở các thành phố đô thị, nông thôn hay các vùng miền xa xôi, cùng được hưởng lợi từ sự thịnh vượng thể hiện thông qua việc kết nối, giao tiếp và Internet là kênh kết nổi phổ biến.
Đồng Chủ tịch EuroCham, ông Nicolas Audier cho biết thêm, mới đây, Ủy ban châu Âu đã trình dự thảo Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam lên Hội đồng và Nghị viện châu Âu để phê chuẩn. Đây là bước tiến tích cực nhưng chưa phải là kết thúc vì còn nhiều thách thức đang chờ ở phía trước. Như đã biết, qua phiên điều trần trước Ủy ban Thương mại quốc tế, vấn đề liên quan tới Luật An ninh mạng sẽ là một trong những thảo luận thiết yếu ở Nghị viện châu Âu.
Theo EuroCham, để giúp cho Việt Nam trở thành một môi trường kinh doanh đầu tư hấp dẫn hơn thì vi phạm bản quyền trực tuyến cần được xử lý nghiêm ngặt hơn thông qua việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ; tăng tiền phạt hành chính và tăng cường môi trường thực thi.
Cùng với đó, Chính phủ nên đánh giá rộng hơn mức độ ảnh hưởng của Luật An ninh mạng tới giới đầu tư trực tiếp nước ngoài và nền kinh tế. Chính phủ Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng một hệ thống phân loại dữ liệu, theo đó, chỉ có dữ liệu an ninh quốc gia mới lưu trữ tại Việt Nam, nhằm giúp đất nước duy trì lợi thế cạnh tranh trong khu vực, ông Nicolas Audier khuyến nghị.
Ông Michael Kelly, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam bày tỏ mong muốn có thể hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng các chính sách phòng ngừa hiệu quả và tăng cường an ninh mạng thông qua các tiêu chuẩn đặc trưng của ngành, các thông lệ và khung quy chuẩn xác định rủi ro. Nhờ đó, giúp tạo dựng một môi trường trực tuyến cởi mở, sáng tạo, an toàn và thúc đẩy thương mại...