Theo báo cáo của Standard Chartered, Ai Cập có thể đứng vị trí thứ 7 trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2030, dựa trên những đánh giá về sức mua tương đương (PPP) và giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa. Một ví dụ được báo cáo đưa ra là đồng bảng Ai Cập ở thời điểm hiện tại yếu hơn về phương diện tỷ giá, song đến năm 2030, trên cơ sở tính toán về PPP thì một bảng Ai Cập có thể mua được nhiều hơn cùng lượng hàng hóa so với đồng ruble của Nga.
Một báo cáo khác gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định Ai Cập là một trong những nền kinh tế quan trọng nhất tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, và quốc gia này có thể đạt tốc độ tăng trưởng 5,6% năm 2019, nhờ những cải cách kinh tế phù hợp, tăng cường đầu tư và tỷ lệ tiêu thụ nội địa cao.
Trong danh sách của Standard Chartered, ngôi vị nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2030 thuộc về Trung Quốc với quy mô kinh tế lên tới 64.200 tỷ USD, tiếp theo là Ấn Độ với quy mô 46.300 tỷ USD. Báo cáo cũng dự báo kinh tế Ấn Độ có thể duy trì mức tăng trưởng quanh ngưỡng 7,8% trong thập niên 2020.
Trong khi đó, Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay, sẽ tụt xuống vị trí thứ ba vào năm 2030 với quy mô 31.000 tỷ USD. Xếp sau Mỹ lần lượt là Indonesia với quy mô kinh tế 10.100 tỷ USD, Thổ Nhĩ Kỳ với 9.100 tỷ USD, Brazil với 8.600 tỷ USD, Ai Cập (8.200 tỷ USD), Nga (7.900 tỷ USD), Nhật Bản (7.200 tỷ USD) và Đức (6.900 tỷ USD).