Ứng dụng công nghệ trong khai thác hải sản trên tàu đánh bắt xa bờ

Để nâng cao hiệu quả khai thác, những năm gần đây, nhiều chủ tàu cá ở Thanh Hóa đã ứng dụng công nghệ trong khai thác hải sản. Đồng thời, lắp đặt các loại thiết bị điện, điện tử hiện đại như máy dò ngang, rada, máy thu lưới dẫn động bằng thủy lực, máy thông tin liên lạc tầm xa...

Tàu cá vỏ thép công suất lớn tại xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Với chiều dài bờ biển trải dài 102 km, Thanh Hóa có 52 xã, phường ven biển với những phương tiện khai thác thủy sản, thu hút khoảng 28.000 lao động tham gia trực tiếp.

Những năm trước, dù đã đi biển nhiều năm, đánh bắt ở nhiều ngư trường nhưng do tàu công suất nhỏ, trang bị thô sơ nên việc khai thác hải sản của gia đình ông Đỗ Quang Nam (xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa) không hiệu quả. Năm 2015, ông Nam đầu tư đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản, công suất 829CV với nghề lưới chụp. Mới đây, ông Nam đã đầu tư hệ thống đèn LED trên tàu để khai thác hải sản. Nhờ đó, sản lượng đánh bắt cao hơn hẳn so với tàu sử dụng đèn sợi đốt truyền thống. Nhiên liệu sử dụng để phát điện cho hệ thống đèn LED lại giảm 1/3 so với đèn sợi đốt và vùng chiếu sáng rộng hơn.

Trước đây, khi dùng tàu nhỏ máy nhỏ, ông Nam phải thuê từ 12 - 15 lao động, chi phí rất tốn kém. Thế nhưng, từ khi có tàu to máy lớn, gia đình chỉ cần thuê 10 lao động. Mỗi chuyến đi biển, anh em thuyền viên có thu nhập ổn định từ 8-10 triệu đồng/người. Chưa kể, các chuyến khai thác được nhiều thì lợi nhuận còn tăng thêm. Nhờ đó cuộc sống của anh em thuyền viên ổn định hơn trước.

Tháng 12/2016, ông Đinh Văn Tiếp, chủ tàu cá ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc đã đầu tư hơn nửa tỷ đồng mua máy dò ngang Wesmar HD860 công nghệ Mỹ. Đầu dò ổn định đã giúp việc dò cá không bị ảnh hưởng khi thời tiết xấu hay biển động. Máy dò ngang này còn giúp anh xác định loại cá, mật độ đàn cá và ước lượng độ lớn của cá trong đàn. Đây là một thiết bị định vị mục tiêu dưới nước bằng thủy âm, có thể phát hiện cá không chỉ ngay dưới đáy tàu mà còn ở tất cả các hướng, các góc xung quanh tàu với bán kính 3.000 m.

Từ khi đầu tư tàu có công suất lớn với các trang thiết bị hiện đại, sản lượng khai thác hải sản của nhà anh Tiếp hiệu quả hơn. Hiện tàu cá của gia đình có 10-12 lao động khai thác ở ngư trường Vịnh Bắc bộ và khu vực đánh cá chung. Tháng 11 vừa rồi, do gió mùa nên tàu của gia đình chỉ đi được 1 chuyến biển (10 ngày) nhưng thu nhập cũng vẫn đủ chi trả lương và các chi phí khác trong tháng.

Anh Nguyễn Văn Xuyên ở thôn Thắng Phúc, xã Ngư Lộc cũng đầu tư đóng tàu gỗ theo Nghị định 67 với tổng số tiền 14,3 tỷ đồng với số vốn cho vay hỗ trợ 10 tỷ đồng. Trên tàu có đủ trang thiết bị hiện đại như máy dò ngang Koden, máy định vị định dạng, máy dò đứng... đã giúp gia đình anh có những chuyến ra khơi hiệu quả, tàu về đầy ắp cá tôm. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh Xuyên còn lãi từ 2-3 tỷ đồng.

Phần lớn là tàu cá ở Thanh Hóa có công suất nhỏ, ngư trường đánh bắt chủ yếu vùng gần bờ nên tình trạng khai thác quá mức nguồn lợi ven bờ đang ở mức báo động. Bên cạnh đó, do không được quản lý chặt chẽ, tình trạng đánh bắt theo hướng hủy diệt bằng các nghề cấm như: giã cào, chất nổ, xung điện... càng làm tăng nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi ven bờ.

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế khai thác hải sản, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo tổ chức khai thác hải sản theo hướng tập trung thành các tổ đội, tổ đoàn kết trên biển; ứng dụng máy dò ngang (Sonar), định vị vệ tinh; tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng… cho các tàu khai thác xa bờ; xây dựng cơ sở dữ liệu tàu thuyền đánh bắt hải sản trên địa bàn tỉnh nhằm đưa công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động khai thác.

Không chỉ chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong hoạt động khai thác, việc bảo quản cá cũng được đầu tư như lắp đặt hệ thống bảo quản sản phẩm hải sản sau thu hoạch bằng bọt xốp Polyuethane (PU), lót hầm tàu bằng inox... để nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp tỷ lệ cá đạt chất lượng cao trên 90%.

Theo chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam và quy hoạch phát triển nghề cá của địa phương, đến năm 2025, Thanh Hóa sẽ phát triển nghề khai thác hải sản theo hướng giảm dần tỷ trọng khai thác gần bờ, đầu tư phát triển tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ. Việc đóng mới, cải hoán tàu nhỏ thành tàu có công suất lớn đang được đông đảo ngư dân hưởng ứng chuyển đổi mạnh mẽ.

Các địa phương ven biển Thanh Hóa cũng tích cực triển khai Nghị định 67 của Chính phủ. Đến đầu tháng 12/2017, Thanh Hóa đã phê duyệt 65/94 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới; trong đó, có 17 tàu dịch vụ hậu cần và 48 tàu khai thác hải sản xa bờ. Hiện các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với 56 chủ tàu để đóng mới 56 tàu, gồm 23 tàu vỏ thép và 33 tàu vỏ gỗ với tổng số tiền cam kết cho vay theo các hợp đồng tín dụng là 639 tỷ đồng; đã giải ngân 578 tỷ đồng. Hiện đã có 46 tàu đi khai thác trên biển và đạt hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thanh Hóa cho biết, thực hiện chuyển đổi cơ cấu khai thác thủy sản theo hướng giảm tàu cá khai thác vùng ven bờ (có công suất dưới 20 CV), tăng tàu có công suất đánh bắt xa bờ (có công suất từ 90 CV trở lên), những năm gần đây, ngư dân Thanh Hóa  không ngừng nỗ lực cải hoán, đóng mới, tăng công suất tàu để vươn khơi ra các ngư trường lớn khai thác hải sản.

Cùng với đó, các tàu cũng được trang bị các thiết bị phục vụ khai thác hải sản hiện đại như: máy dò ngang, máy thông tin liên lạc có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh (GPS)  Icom, Movimar, máy đo sâu, máy thu lưới, thu câu, máy tời thủy lực... Nhờ đó, hiệu quả khai thác tăng lên gấp 3 - 4 lần so với trước. Ngư lưới cụ cũng không ngừng được cải tiến để khai thác có năng suất, hiệu quả kinh tế cao; khai thác có tính chọn lọc và bảo vệ nguồn lợi hải sản. Sản lượng khai thác biển năm 2017 của Thanh Hóa ước đạt 103.070 tấn, tăng 106,52% so với cùng kỳ năm trước.

Mạnh dạn đầu tư của ngư dân cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước được kỳ vọng sẽ giúp đội tàu đánh bắt xa bờ của Thanh Hóa ngày càng hiện đại, năng lực khai thác hải sản tăng, giúp ngư dân yên tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hoa Mai
Sóc Trăng phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ
Sóc Trăng phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ

Trong những năm gần đây, Sóc Trăng đã phát triển mạnh đội tàu khai thác xa bờ để bảo vệ nguồn lợi ven biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN