Nhộn nhịp tàu cá vào cảng Trần Đề. |
Có thể nói, việc ưu tiên đầu tư
phát triển đội tàu có công suất lớn để có thể khai thác xa bờ, dài ngày
được tỉnh Sóc Trăng ưu tiên đầu tư từ nhiều năm trước. Cơn
bão Linda xảy ra 20 năm trước (ngày 2/11/1997) đổ vào vùng Tây Nam Bộ đã
làm thiệt hại nặng nề về người và của cho một vùng xưa nay hiếm khi gặp
bão lớn. Hàng trăm tàu bè của tỉnh, chủ yếu là tàu nhỏ, khai thác ven
bờ bị đánh tan, đánh chìm, hàng chục ngư dân mất tích, thiệt mạng.
Sau bão, cùng với chính sách của nhà nước, hỗ trợ ngư dân đóng tàu
mới, cải tạo nâng cấp tàu cũ, ưu tiên vay vốn cho ngư dân đầu tư, cải
tạo, nâng công suất của tàu lên. Đặc biệt, theo Nghị định 67/NĐ-CP mới
đây của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản đã giúp ngư dân Sóc
Trăng có thêm hàng chục con tàu khiến cho bà con ngư dân rất phấn khởi.
Bên cạnh đội tàu cá của các hộ dân vùng biển Trần Đề, ở Sóc Trăng
còn có những tàu làm dịch vụ hậu cần để chuyên chở nhiên liệu, sản phẩm
ra, vào bờ. Việc này đã bớt đi gánh nặng đi lại của tàu khai thác, giảm
mức tiêu thụ nhiên liệu và gia tăng hiệu quả.
Cùng với đó, việc kết nối thông tin liên lạc giữa bờ với với biển,
giữa ngư dân tàu khai thác với lực lượng chức năng cũng trở nên thuận
tiện, dễ dàng hơn. Các tổ, đội liên kết khai thác thủy sản trên biển
được tổ chức cũng góp phần giúp cho những chuyến khai thác biển thêm dài
ngày, ngư dân yên tâm khai thác xa bờ, trở thành những cột mốc chủ
quyền trên vùng biển và thềm lục địa của Tổ quốc. Nhờ đó, tổng sản lượng
khai thác từ đầu năm 2017 đến nay của tỉnh đạt hơn 56.000 tấn (tăng hơn
gấp 4 lần so với thời điểm 20 năm trước).
Ðể tăng hiệu quả cho nghề khai thác biển, ngoài việc trợ giúp vốn
vay mua sắm phương tiện hiện đại, Sóc Trăng còn được Trung ương đầu tư
xây dựng khu neo đậu tàu, thuyền trú bão và cảng cá Trần Ðề giai đoạn 2.
Mặt khác, tỉnh cũng hướng tới xây dựng hàng chục tổ, đội khai thác an
toàn bến bãi và nghiệp đoàn khai thác thủy sản nhằm hỗ trợ nhau trong
quá trình khai thác, tiêu thụ sản phẩm.